Để hướng dẫn chi tiết thủ tục đăng ký xác nhận quốc tịch Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định 97/2014/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 78/2009/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quốc tịch Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1-12-2014) quy định nội dung này.
Theo đó, người có yêu cầu xác định quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, nơi mình đang thường trú, thực hiện tiếp nhận và giải quyết yêu cầu xác định quốc tịch và cấp hộ chiếu Việt Nam.
Trường hợp người yêu cầu cư trú tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ không có cơ quan đại diện thì nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện kiêm nhiệm hoặc cơ quan đại diện nào thuận tiện nhất. Hồ sơ để xác định quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam gồm: tờ khai đăng ký xác định quốc tịch và cấp hộ chiếu Việt Nam; ảnh 4 x 6; giấy tờ chứng minh về nhân thân (giấy tờ tùy thân, thẻ căn cước, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ khác có giá trị chứng minh về nhân thân); giấy tờ về hộ tịch, quốc tịch, hộ khẩu, căn cước hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam qua các thời kỳ từ năm 1945 đến trước ngày 1-7-2009, trong đó có ghi rõ quốc tịch Việt Nam, hoặc thông tin liên quan đến quốc tịch Việt Nam, hoặc giấy tờ về hộ tịch, quốc tịch, hộ khẩu, căn cước, hoặc giấy tờ khác do chế độ cũ cấp trước ngày 30-4-1975 ở miền Nam Việt Nam hoặc do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, trong đó có thông tin liên quan đến quốc tịch Việt Nam.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ nêu trên của người yêu cầu xác định quốc tịch Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, so sánh, đối chiếu thông tin trong hồ sơ với thông tin trong tờ khai. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu có căn cứ để xác định người đó có quốc tịch Việt Nam thì ghi vào sổ đăng ký xác định quốc tịch Việt Nam là người đó có quốc tịch Việt Nam. Đồng thời, nếu người đó còn có yêu cầu cấp hộ chiếu Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền tiến hành thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam cho họ (theo quy định khoản 4 Điều 1 Nghị định 97/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014).
Còn khi không có đủ căn cứ tin cậy để xác định quốc tịch Việt Nam, đối với trường hợp người yêu cầu xác định quốc tịch sinh ra tại Việt Nam và đã có thời gian thường trú tại Việt Nam, thì cơ quan có thẩm quyền so sánh thông tin trên tờ khai với thông tin trên giấy tờ về nhân thân và các giấy tờ khác, nếu thấy có thông tin là cơ sở để xác minh quốc tịch Việt Nam của người đó, thì gửi văn bản kèm theo các giấy tờ đó cho Bộ Ngoại giao để đề nghị Bộ Công an, Bộ Tư pháp xác minh. Sau khi nhận được kết quả xác minh và thấy có căn cứ xác định quốc tịch Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền ghi vào sổ đăng ký là người đó có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu cho họ. Trường hợp cơ quan trong nước không có căn cứ để xác định quốc tịch, cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu xác định quốc tịch biết là không có căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam của người đó.
Đối với trường hợp người yêu cầu xác định quốc tịch sinh ra ở nước ngoài và chưa bao giờ thường trú tại Việt Nam nhưng chưa đủ căn cứ tin cậy để xác định quốc tịch Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu các giấy tờ về nhân thân và các giấy tờ khác liên quan kèm theo, nếu có những thông tin là cơ sở để xác minh quốc tịch Việt Nam của người đó, thì tiến hành phỏng vấn, kiểm tra hoặc xác minh để làm rõ. Căn cứ vào hồ sơ và kết quả phỏng vấn, xác minh, nếu có căn cứ xác định quốc tịch Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền ghi vào sổ đăng ký là người đăng ký có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu cho họ. Trường hợp không có căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu xác định quốc tịch biết là không có căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam của người đó.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng luật sư PHANS)