Thủ tục, điều kiện xin con nuôi ở Việt Nam?

°Hỏi:

°Hỏi:  Chị ruột tôi là Việt kiều ở Đức, muốn xin đứa con ruột của tôi tròn 16 tuổi làm con nuôi. Vợ chồng tôi đã ly dị, bản thân tôi sức khỏe không đảm bảo và không có điều kiện nuôi dưỡng cháu. Xin tư vấn hướng dẫn về thủ tục, điều kiện xin con nuôi đối với chị tôi-người nước ngoài như thế nào? (Ông Nguyễn Hiếu, đường Trần Bình Trọng quận Bình Thạnh TPHCM).

°Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư Pháp TPHCM, trả lời:  Khoản 1, Điều 29 Luật Nuôi con nuôi quy định về điều kiện đối với người nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài như sau: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú và quy định tại Điều 14 của luật này”.

Theo đó, chị của ông phải có đủ các điều kiện nhận con nuôi theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa Liên bang Đức và có đủ các điều kiện như: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có tư cách đạo đức tốt.

Về thủ tục đăng ký con nuôi có yếu tố nước ngoài, căn cứ quy định tại Điều 31 Luật Nuôi con nuôi, chị của ông cần phải chuẩn bị những giấy tờ, tài liệu gồm: Đơn xin nhận con nuôi, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế; văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam; bản điều tra về tâm lý, gia đình; văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe; văn bản xác nhận thu nhập và tài sản; phiếu lý lịch tư pháp; văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân; tài liệu chứng minh mối quan hệ họ hàng (cô – cháu) của người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Hồ sơ được lập thành 2 bộ và nộp cho Bộ Tư pháp thông qua cơ quan trung ương về con nuôi của nước nơi người nhận con nuôi thường trú hoặc trực tiếp nộp cho Bộ Tư pháp.

  • Có thể điều chỉnh năm sinh theo tuổi thật?

°Hỏi: Trước đây, do cha mẹ tôi ở vùng quê, thiếu hiểu biết nên không quan tâm đến việc làm khai sinh đúng ngày, tháng, năm sinh cho tôi và khai khống tuổi của tôi thêm 3 năm, điều này ảnh hưởng đến việc nghỉ hưu sớm hơn tuổi thật của tôi. Vậy tôi muốn điều chỉnh ngày, tháng, năm sinh theo đúng tuổi thật của mình được hay không, thủ tục ra sao? lehoa…@yahoo.com

°Trả lời: Theo Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27-12-2005 của Chính phủ về Đăng ký và quản lý hộ tịch quy định: “Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh… phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó”.

Ngoài ra, theo Điểm g, Khoản 5, Mục 2 Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 2-6-2008 của Bộ Tư pháp quy định: “Việc cải chính ngày, tháng, năm sinh, chỉ được giải quyết đối với những trường hợp có đủ cơ sở để xác định rằng khi đăng ký khai sinh có sự sai sót do ghi chép của cán bộ tư pháp hộ tịch hoặc do đương sự khai báo nhầm lẫn. Trường hợp yêu cầu cải chính nội dung trong bản chính Giấy khai sinh do đương sự cố tình sửa chữa sai sự thật đã đăng ký trước đây để hợp thức hóa hồ sơ, giấy tờ cá nhân hiện tại, thì không giải quyết”. Liên quan đến trường hợp của bà, bà có thể liên hệ UBND cấp quận, huyện trước đây đã đăng ký hộ tịch để được hướng dẫn, xem xét giải quyết theo thẩm quyền đúng quy định nêu trên.

KH.B.

Tin cùng chuyên mục