Thủ tục hải quan điện tử tại TPHCM: Chờ ngày hợp nhất (?!)

Thủ tục hải quan điện tử tại TPHCM: Chờ ngày hợp nhất (?!)

Đến đầu tháng 11 này, hàng ngàn doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu sẽ được làm thủ tục hải quan điện tử ở 11 chi cục trên địa bàn TPHCM… điều này khiến các doanh nghiệp khấp khởi mừng. Nhưng nhìn công nghệ mà Cục Hải quan TPHCM chọn để triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử đến 11 chi cục và công nghệ đang thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng thì thấy có những điểm khác nhau, xem ra thủ tục hải quan điện tử phải chờ ngày “hợp nhất” mới tính tiếp được.

Quyết tâm với thủ tục hải quan điện tử

Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, với việc mở rộng thực hiện thủ tục hải quan điện tử đến 11 chi cục lần này, doanh nghiệp sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi như được cơ quan Hải quan hỗ trợ tập huấn, cung cấp các phần mềm khai báo hải quan điện tử miễn phí; được ưu tiên thực hiện trước so với khai báo hải quan thủ công; được lựa chọn hình thức nộp lệ phí thủ tục hải quan cho từng tờ khai hải quan hay theo từng tháng;…

Bà Nguyễn Thị Thu Hương khẳng định: “Việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử sẽ giúp thông quan nhanh hơn, giảm chi phí, tiết kiệm nguồn nhân lực cho cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan. Chúng tôi cũng đề ra mục tiêu trong năm nay phải đạt trên 70% chi cục tại TPHCM áp dụng thủ tục hải quan điện tử, và kim ngạch hàng hóa XNK thực hiện thủ tục hải quan điện tử đạt từ 50% đến 70%...”.

Doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng.

Doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng.

Chính vì thế trong những ngày qua, gần 1.500 doanh nghiệp đã được tham gia tập huấn thủ tục hải quan điện tử, đây là một trong những công tác chuẩn bị để tiến đến mở rộng triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử ở 11 chi cục trên địa bàn TPHCM vào ngày 1-11 tới, gồm Chi cục hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 1, 2, 3, 4; Chi cục hải quan Tân Cảng, Chi cục hải quan Cảng Hiệp Phước, Chi cục hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất, Chi cục hải quan KCX Linh Trung, Chi cục hải quan KCX Tân Thuận, Chi cục hải quan Quản lý hàng đầu tư, Chi cục hải quan Quản lý hàng gia công…

 rước đó, Cục Hải quan TPHCM đã lắp đặt máy móc thiết bị, cài đặt phần mềm tại các chi cục, cũng như tập huấn cho công chức hải quan về quy trình, sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và cả vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan…

Việc này thấy rõ Cục Hải quan TPHCM đã quyết tâm thực hiện hiện thủ tục hải quan điện tử, một hình thức thông quan được đánh giá phù hợp xu thế hội nhập, cũng như góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, bớt những thủ tục rườm rà cho doanh nghiệp, thậm chí góp phần rất lớn trong việc giảm bớt những tiêu cực.

Bao giờ sẽ hợp nhất?

Quay lại lịch sử thực hiện hải quan điện tử tại TPHCM. Nếu tính từ ngày 25-1-2010 đến nay, doanh nghiệp muốn thực hiện thủ tục hải quan điện tử thì đến Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng. Nói như vậy vì TPHCM vốn đã có Chi cục Hải quan điện tử từ tháng 10-2005 nhưng đến tháng 11-2009, cái tên Chi cục Hải quan điện tử (số 74, Hai Bà Trưng, quận 1) đã bị xóa, “sắp xếp” lại thành Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng và dời về Tân Cảng (quận Bình Thạnh, TPHCM).

Cũng chính vì thế từ 25-1-2010 đến nay, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng thực hiện cả thủ tục hải quan điện tử và thủ tục hải qua giấy. Một bức tranh vừa hiện đại, vừa thủ công hiện diện nơi đây… Dù vậy nhưng cũng đã có gần 450 doanh tham gia thủ tục hải quan điện tử tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng.

Hiện mỗi ngày, Chi cục Hải quan Tân Cảng thông quan điện tử cho hơn 150 tờ khai. Từ đầu năm đến nay, chi cục này đã thông quan điện tử cho trên 32.000 tờ khai với kim ngạch đạt trên 3,7 tỷ USD, nộp ngân sách gần 6.000 tỷ đồng, chiếm 65% so với hình thức thông quan thủ công.

Cần nói rằng, quy trình thực hiện thủ tục hải quan điện tử áp dụng tại Chi cục hải quan cửa khẩu Tân Cảng dựa trên công nghệ Web Oracale, tức là mọi lệnh, tờ khai… được thực hiện trên nền web và tất cả dữ liệu khai báo của doanh nghiệp cũng như hệ thống vận hành thủ tục hải quan điện từ đều do Cục Hải quan TPHCM quản lý.

Với công nghệ này, Cục Hải quan TPHCM giữa vai trò cực kỳ lớn trong việt kiểm tra, giám sát thông tin dữ liệu cả hệ thống mạng… tuy nhiên khi có trục trặc nó cũng gây ảnh hưởng đến cả hệ thống. Còn với quy trình thực hiện thủ tục hải quan điện tử chuẩn bị ứng dụng tại 11 chi cục vào đầu tháng 11 đến, sẽ được ứng dụng công nghệ Winform SQL 2007, được cài đặt ở từng chi cục và mỗi chi cục quản lý toàn bộ thông tin xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Tức là mỗi chi cục có một server quản lý, xử lý riêng. Công nghệ này có ưu điểm khi một chi cục có sự cố hệ thống thì chỉ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại chi cục đó bị ảnh hưởng… chứ không ảnh hưởng dây chuyền. Tuy nhiên thông tin, dữ liệu chỉ co cụm tại một chi cục chứ không phải cả hệ thống…

Chọn công nghệ nào?

Cần ghi nhận nỗ lực triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử của Cục Hải quan TPHCM, nhưng cũng có nhiều người cho rằng, việc mở rộng thực hiện thủ tục hải quan điện tử đến 11 chi cục lần này là một giải pháp tình thế để thể hiện tính đại trà, vì thực hiện việc cài đặt hệ thống máy chủ, phần mềm… tại các chi cục không có gì phức tạp và sẽ được tiến hành một cách nhanh, gọn.

Hơn nữa, cùng tên gọi thủ tục hải quan điện tử của một cục hải quan nhưng ở Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng lại ứng dụng công nghệ Web Oracale trong khi 11 chi cục hải quan sắp triển khai ứng dụng thủ tục hải quan điện tử sắp đến lại ứng dụng công nghệ Winform SQL 2007.

Vậy công nghệ nào sẽ là công nghệ được lựa chọn cho cái chuẩn sau này? liệu 11 chi cục nói trên sẽ chuyển sang Web Oracale hay Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng phải chuyển sang Winform SQL 2007 hay ứng dụng cả hai cho… phong phú?!  

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục