Thủ tục khám kiểm tra lại vết thương

Thương binh đã khám giám định thương tật, nhưng còn sót vết thương, thì được khám giám định vết thương còn sót; thương binh đã khám giám định thương tật, nay có vết thương tái phát, thì được khám giám định vết thương tái phát đó. 

Tôi là thương binh loại A, thương tật hạng 1/8, bị 3 vết thương ở lồng ngực và 1 vết ở mắt cá chân phải trổ ra đáy bàn chân; đã giám định thương tật năm 1976. Bây giờ, tôi thường bị đau nhức. Vậy tôi có được kiểm tra lại các vết thương không, bởi từ khi giám định đến nay, thời gian đã kéo dài quá lâu. Xin hỏi: Tôi có thể đến đâu để được kiểm tra? Thủ tục thế nào? HUỲNH HỒNG NGỌC (huyện Bình Chánh, TPHCM)

Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM LÊ MINH TẤN: Thương binh đã khám giám định thương tật, nhưng còn sót vết thương, thì được khám giám định vết thương còn sót; thương binh đã khám giám định thương tật, nay có vết thương tái phát, thì được khám giám định vết thương tái phát đó.

Thủ tục lập hồ sơ cần có gồm giấy đề nghị khám giám định của người đi khám có xác nhận của UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; một trong các  giấy tờ sau: kết quả chụp X-quang, kết quả chụp cắt lớp vi tính, giấy chứng nhận phẫu thuật, giấy ra viện điều trị vết thương còn sót - các giấy tờ này phải do giám đốc bệnh viện hoặc người được ủy quyền ký tên, đóng dấu của bệnh viện (đối với trường hợp vết thương còn sót); bản tóm tắt bệnh án hoặc giấy ra viện sau khi điều trị thương tật tái phát của bệnh viện tuyến huyện hoặc tương đương trở lên (đối với trường hợp vết thương tái phát).

Toàn bộ hồ sơ gửi đến Sở LĐTB-XH để gửi Bộ LĐTB-XH thẩm định trước khi giới thiệu đến khám giám định tại Hội đồng Giám định y khoa TPHCM.

Tin cùng chuyên mục