Thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài

- Hiện nay, có nhiều phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài. Do bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, tập tục, môi trường và các yếu tố khác nên nhiều phụ nữ Việt Nam nhanh chóng muốn ly hôn với người chồng nước ngoài. Nhưng việc tiến hành ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục.

>> Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG (Văn phòng Luật sư PHANS): Theo Điều 102 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN-GĐ) và Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự, tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn đối với công dân Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người nước ngoài đang cư trú ở nước ngoài là TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cư trú hoặc làm việc của bị đơn, có thể thỏa thuận tòa án nơi cư trú hoặc làm việc của một trong hai bên nếu các bên thuận tình ly hôn. Do đó, phụ nữ Việt Nam có thể chuẩn bị hồ sơ ly hôn gồm giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh, các giấy tờ chứng minh về quyền tài sản trong thời kỳ hôn nhân, giấy tờ tùy thân của hai bên và đơn xin ly hôn nộp tại tòa án đã nêu trên.

Nếu công dân Việt Nam muốn ly hôn nhưng không xác định được người nước ngoài đang cư trú tại đâu, theo Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, Tòa án Việt Nam vẫn thụ lý và tiến hành xác minh địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài để liên hệ lấy lời khai. Nếu không liên lạc được với người nước ngoài, thân nhân của họ và cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân từ 1 năm trở lên, thì tòa án xem là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ và xét xử ly hôn khi bị đơn vắng mặt. Sau khi thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, tòa án sẽ xem xét căn cứ cho ly hôn được quy định tại Điều 89 Luật HN-GĐ, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì tòa án quyết định cho ly hôn. Khi cho ly hôn, tòa án giải quyết các vấn đề về con cái và tài sản như sau:

Về con cái, theo Điều 92 Luật HN-GĐ quy định vợ, chồng có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con hoặc tòa án ra quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi; nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 3 tuổi thì giao cho mẹ nuôi nếu không có thỏa thuận khác. Trong trường hợp ly hôn mà vắng mặt bị đơn, tòa án sẽ giao con cho nguyên đơn nuôi dưỡng và chăm sóc.

Về tài sản, theo Điều 95, 96, 97, 98 Luật HN-GĐ áp dụng phân chia tài sản ly hôn theo nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ trong xã hội cũng như trong gia đình. Pháp luật Việt Nam công nhận tài sản riêng trong quan hệ hôn nhân, do đó, sau khi ly hôn, tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó. Về việc phân chia tài sản chung được Luật HN-GĐ phân chia trong từng trường hợp cụ thể như chia tài sản trong trường hợp vợ chồng chung sống với gia đình; quyền sử dụng đất của vợ, chồng khi ly hôn; nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Đối với tài sản là bất động sản ở nước ngoài thì giải quyết theo pháp luật nơi có bất động sản đó.

Tin cùng chuyên mục