Thủ tướng chỉ đạo xử phạt nghiêm các vi phạm về quản lý giá

(SGGP). – Hôm qua 27-2, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo kiểm soát giá.

(SGGP). – Hôm qua 27-2, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo kiểm soát giá.

Theo đó, nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá cả hàng hóa theo cơ chế thị trường đã được xác định theo lộ trình đối với một số loại hàng hóa như điện, than…; đồng thời hạn chế tối đa những yếu tố phát sinh làm cho lạm phát tăng cao, nhất là những yếu tố tác động do lợi dụng việc điều chỉnh giá của Nhà nước để đẩy giá các loại hàng hóa tăng cao, gây tâm lý bất lợi trong xã hội, Thủ tướng yêu cầu các bộ Công thương, NN-PTNT, Xây dựng ngay trong tháng 3 phải chủ động rà soát cân đối cung - cầu các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước như gạo, xăng dầu, phân bón, xi măng, sắt thép… Chủ động, kịp thời can thiệp thị trường hoặc trình cấp có thẩm quyền các giải pháp ứng phó trong trường hợp cần thiết, để bảo đảm không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động triển khai chỉ đạo của Thủ tướng thông qua việc điều hành tốt công cụ chính sách tiền tệ, bảo đảm kiềm chế không để lạm phát cao và đáp ứng yêu cầu thanh khoản của nền kinh tế, nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát để hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ theo đúng quy định, thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng về mua ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng, các tập đoàn kinh tế, không để xảy ra việc đầu cơ, găm giữ ngoại tệ làm ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu các bộ Tài chính, Công thương triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng khó khăn khi thực hiện chủ trương điều hành giá cả theo cơ chế thị trường.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường; xử phạt nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về quản lý giá, các hành vi lợi dụng chủ trương điều chỉnh giá của Nhà nước để đẩy giá hàng hóa lên cao, các hành vi đầu cơ găm hàng thu lợi bất chính của các tổ chức, cá nhân. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn; tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về quản lý giá cả, nhất giá các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, giá cước vận tải và giá các loại dịch vụ.

* Chiều 27-2, giá một số mặt hàng nông sản, thực phẩm phục vụ rằm tháng Giêng tại TPHCM lại “nhảy múa”. Cá biệt, một số loại trái cây tăng giá gấp đôi so với vài ngày trước đó như quýt đường, mãng cầu…

Tại chợ hoa tươi Hồ Thị Kỷ (quận 10), giá các loại hoa cúc thọ, cúc vàng… tăng 4.000 – 5.000 đồng/bó (khoảng 6 - 8 bông). Giá trái cây tại chợ Trần Nhân Tôn (quận 5); chợ Lê Hồng Phong (quận 10); một số chợ lẻ xung quanh khu vực quận 6… tăng 5.000 – 20.000 đồng/kg tùy loại. Ví dụ như mãng cầu, quýt đường có giá 50.000 – 60.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với vài ngày trước đó, lê Trung Quốc tăng 5.000 – 6.000 đồng/kg và ở mức 24.000 – 26.000 đồng/kg. Gà Tam Hoàng làm sẵn, mỗi con khoảng 1 – 1,5 kg, có giá dao động 57.000 – 58.000 đồng/kg.

Theo ông Phạm Ngọc Trung, đại diện ban quản lý chợ Bình Tây, quận 6, tình hình giá cả hàng hóa tại chợ sau Tết Nguyên đán nhìn chung khá ổn định. Duy chỉ có thực phẩm tươi sống là tăng giá, vì sau tết, một số tiểu thương ở các chợ đầu mối nông sản thực phẩm chưa ra kinh doanh, nên lượng hàng hóa về chợ ít.

Ngoài ra, việc giá xăng tăng cách nay 1 tuần và giá điện tăng từ ngày 1-3 cũng là nguyên nhân dẫn đến giá cả một số mặt hàng có khả năng nhích lên trong thời gian sắp tới.

* Lúc 18 giờ chiều 27-2, giá vàng thế giới ở mức 1.117,9 USD/ounce, tăng 11,3 USD/ounce so với mức giá chốt phiên liền trước. Cùng thời điểm giá vàng miếng của các nhãn vàng trong nước như SJC, SBJ chốt ở mức 26,54 triệu đồng/lượng (thu vào) và 26,60 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 130.000 đồng so với giá chốt chiều 26-2.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục