Thủ tướng chỉ thị: Bảo đảm bình ổn giá cả, thị trường trong dịp tết

(SGGP).– Ngày 30-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký chỉ thị yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường trong dịp Tết Nguyên đán và quý 1-2011.

(SGGP).– Ngày 30-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký chỉ thị yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường trong dịp Tết Nguyên đán và quý 1-2011.

Thủ tướng khẳng định, từ đầu năm 2010 đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp để phát triển sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11-2010 đã ở mức 9,58%, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Tình trạng găm hàng, đầu cơ, thậm chí việc đưa tin thất thiệt về tình hình tài chính, tiền tệ, giá cả, khan hiếm nguồn hàng… không được kiểm soát và ngăn chặn kịp thời, làm ảnh hưởng không tốt đến việc triển khai chỉ đạo của Chính phủ về kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Vì vậy, nhằm chấn chỉnh kịp thời những yếu kém trên và tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Tân Mão, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả; tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, vốn, mạng lưới kinh doanh để các doanh nghiệp chủ động đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh. Bảo đảm cung ứng đủ và ổn định giá cả đối với những mặt hàng thiết yếu: gạo, thịt gia súc, gia cầm; rau, củ, quả; sữa; xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng; thuốc phòng chữa bệnh; dịch vụ đi lại… không để xảy ra mất cân đối cung cầu giữa các vùng, miền, địa phương trong cả nước vào trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Mão.

Bộ Tài chính được yêu cầu giữ ổn định giá bán điện, giá bán than cho các hộ sản xuất điện, xi măng, phân bón, giấy; áp dụng các biện pháp tài chính, tiền tệ, thuế để giữ bình ổn giá xăng dầu; giãn thời gian điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá; kiểm soát các yếu tố hình thành giá, kiên quyết ngừng việc đăng ký tăng giá các hàng hóa, dịch vụ thuộc diện đăng ký giá có mức giá tăng không hợp lý.

Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát, ổn định tỷ giá ngoại tệ, giá vàng và lãi suất; kiểm tra, xử lý các trường hợp đầu cơ, găm giữ kinh doanh trái pháp luật vàng, ngoại tệ làm lũng đoạn thị trường.

Bộ Công thương có ngay các giải pháp cân đối và điều hòa cung cầu; chỉ đạo và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia bình ổn giá mở rộng mạng lưới, tăng điểm bán hàng, tích cực đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá.

L.Nguyên

Tin cùng chuyên mục