(SGGP).- Ngày 12-3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ chị số 09/CT-TTg về việc triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Chỉ thị nêu rõ, đến nay 9/13 tỉnh, thành phố với gần 40% diện tích ĐBSCL bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, gần 200.000 ha lúa vụ đông xuân và vườn cây ăn trái bị thiệt hại, 155.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt tại tỉnh Bến Tre, 160/164 xã, phường trên địa bàn, 70% diện tích gieo trồng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Trong thời gian tới, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra gay gắt ở ĐBSCL, nhất là trong tháng 3 - 4 và có thể kéo dài tới tháng 6-2016 gây thiệt hại cho sản xuất, nguy cơ thiếu nước ngọt trên diện rộng.
Để chủ động ứng phó, hạn chế khó khăn, giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương theo dõi sát tình hình, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn được đề cập trong Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 3-3-2016 của Chính phủ, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 4-2-2016 và Kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 7-3-2016.
Chỉ thị yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tập trung bảo đảm đời sống nhân dân, tổ chức rà soát, nắm chắc số hộ thiếu đói, thiếu nước ngọt sinh hoạt nhất là các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số để hỗ trợ kịp thời theo quy định. Đồng thời, triển khai thực hiện các biện pháp phù hợp như lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước, chở nước ngọt cung cấp cho người dân… nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt của nhân dân và hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế, trường học, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, sử dụng nước không hợp vệ sinh dẫn tới bùng phát dịch bệnh. Triển khai các biện pháp cấp bách phù hợp với điều kiện từng địa phương để chủ động ứng phó với xâm nhập mặn, như chủ động vận hành hệ thống thủy lợi kiểm soát soát mặn, nạo vét kênh rạch, khơi thông dòng chảy, đắp đập tạm khoanh vùng ngăn mặn, giữ ngọt… bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cây trồng và diện tích nuôi trồng thủy sản.
Chỉ thị cũng yêu cầu các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Lao động - Thương binh và xã hội tổng hợp, rà soát nhu cầu hỗ trợ gạo cứu đói, kinh phí phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn của các địa phương, kịp thời đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ dự báo ảnh hưởng của xâm nhập mặn thời gian tới. Thông tin kịp thời, hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất vụ hè thu phù hợp với khả năng nguồn nước, những nơi không bảo đảm nguồn nước cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân không gieo sạ để hạn chế thiệt hại, hướng dẫn kỹ thuật để đẩy mạnh phát triển thủy sản trong điều kiện xâm nhập mặn sâu, kéo dài, nguồn nước ngọt hạn chế.
Để hạn chế thiệt hại do xâm nhập mặn, Bộ Y tế phối hợp với cơ quan thông tin tuyên truyền hướng dẫn, khuyến cáo người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh để đảm bảo sức khỏe, chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tăng cường giám sát bảo đảm an toàn môi trường, ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh do tình trạng thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải chỉ đạo hệ thống ngân hàng nhà nước ở địa phương, ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khoanh nợ, giãn nợ, xử lý rủi ro đối với các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn bị thiệt hại do thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn theo quy định và tiếp tục cho vay để sớm phục hồi, phát triển sản xuất.
Do tình hình xâm nhập mặn sâu hơn so với dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan, rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Trên cơ sở đó, các bộ quản lý chuyên ngành rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể thuộc lĩnh vực quản lý ngành cho phù hợp. Đồng thời, ưu tiên bố trí ngân sách trung ương, ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ nhân dân, khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình thủy lợi nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, phòng chống sạt lở ven biển, bảo đảm hiệu quả.
MINH TRƯỜNG
Bến Tre, Tiền Giang: Vét nước cứu lúa, đảm bảo nước ngọt sinh hoạt
(SGGP).- Trước tình hình diện tích lúa đông xuân tại huyện Gò Công Đông đang thiếu nước tưới, ngày 12-3, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo đắp đập khẩn cấp chặn dòng kênh chính Xuân Hòa - Cầu Ngang tại huyện Gò Công Đông, bơm vét nước vào kênh Trần Văn Dõng và kênh Sam-po, cứu 4.000ha lúa. Tất cả các công việc đắp đập, hạ thế điện và kéo xuồng bơm từ cống Xuân Hòa về huyện Gò Công Đông phải sớm hoàn thành để ngày 14-3 bơm nước lên cứu lúa.
Bơm chuyền nước cứu lúa ở Tiền Giang (Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN)
Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang, đến nay hơn 25.000ha lúa ở vùng ven biển đã chắc chắn được cứu, nhưng còn khoảng 4.000ha xuống giống trễ, hiện rất cần nước liên tục khoảng hơn 10 ngày nữa. Tuy nhiên trên kênh trục chính của dự án ngọt hóa Gò Công đã cạn. Các kênh nội đồng không còn nước để bơm lên ruộng. Trong khi đó nước ngoài sông Tiền rất mặn, không thể lấy nước vào kênh trục chính để đẩy nước từ kênh trục chính vào kênh nội đồng.
Cũng trong ngày 12-3, chiếc sà lan được UBND tỉnh Tiền Giang thuê chở nước đã bắt đầu nhận nước và chở chuyến đầu tiên về huyện cù lao Tân Phú Đông cứu khát cho dân ở đây. Sà lan này sẽ đậu trên sông Cửu Tiểu và bơm nước vào hệ thống hồ chứa nước của trạm cấp nước Phú Thạnh. Trạm này tiếp tục bơm vào đường ống cấp cho 3.000 hộ dân khu vực xã Phú Đông, Phú Thạnh. Hiện người dân ở đây đang sử dụng nước mặn hơn 1‰. Song song với việc chở nước bằng sà lan, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang khẩn trương thi công đường ống dài hơn 10km vượt sông đưa nước sạch qua cù lao Tân Phú Đông. Thời gian thi công dự kiến khoảng 40 ngày.
Tại Bến Tre, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo cũng vừa làm việc với các cơ quan chức năng, khảo sát công trình Trạm bơm nước thô Cái Cỏ (xã Quới Thành, huyện Châu Thành). Công trình Trạm bơm nước thô Cái Cỏ bơm nước thô về Nhà máy nước Sơn Đông và Nhà máy nước An Hiệp để xử lý và cung cấp nước sạch cho sinh hoạt, sản xuất. Trạm bơm này có 2 tổ hợp bơm với tổng công suất 47.000m³/ngày đêm. Trước tình hình biến đổi khí hậu đã làm biên mặn và cường độ mặn tại các nhà máy nước lên trên 1‰ và còn tiếp tục dao động theo hướng tăng cao, trên cơ sở tham mưu của ngành chức năng, lãnh đạo tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho ngăn tạm cống Bến Rớ và cống Tre Bông để lấy nước thô (độ mặn ít).
Bến Tre dùng xe bồn chở nước sinh hoạt cung cấp cho dân (Ảnh: HUY PHONG)
Hiện tại, 1 tổ hợp máy của Trạm bơm nước thô Cái Cỏ đang lắp đặt, vận hành máy (công suất 15.000m³/ngày đêm) để đưa nước thô về Nhà máy nước Sơn Đông, dự kiến sẽ hoạt động trước ngày 15-3-2016. Tổ hợp còn lại sẽ hoạt động trong tháng 4-2016 (công suất 32.000m³/ngày đêm), đưa nước thô về Nhà máy nước An Hiệp.
Hiện nước mặn 1‰ đã xâm nhập toàn bộ sông Hàm Luông và các tuyến sông chính trên địa bàn của tỉnh Bến Tre, do vậy, Bến Tre chỉ đảm bảo nước ngọt cho bệnh viện, các nhà máy chế biến thực phẩm và các khách sạn lớn. Việc vận hành sớm nhà máy nước thô Cái Cỏ sẽ giúp người dân, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP Bến Tre có nguồn nước độ mặn thấp, đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.
PHÚ ĐÔNG - PHƯƠNG VIỆT