Thủ tướng Chính phủ: Quan điểm “Hà Nội không vội được đâu” đã lạc hậu

Ngày 27-6, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban ngành. 

Đặc biệt tham dự hội nghị còn có các vị đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo các tỉnh, thành phố và hơn 1.300 doanh nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dự kiến năm 2020, Việt Nam tăng trưởng GRDP khoảng 2,7% và theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá thì Việt Nam có mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua, nhưng vẫn là mức tăng trưởng cao nhất ở khu vực châu Á. Tại hội nghị này, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhìn rộng hơn là cả vùng Thủ đô, đã có những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước không chỉ bởi môi trường chính trị, xã hội ổn định, mà còn là môi trường an toàn trong phòng, chống dịch bệnh; chính quyền thành phố sáng tạo, tiên phong, dám nghĩ dám làm.

Thủ tướng Chính phủ: Quan điểm “Hà Nội không vội được đâu” đã lạc hậu ảnh 1 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị "Hà Nội 2020- Hợp tác Đầu tư và Phát triển". Ảnh: QUANG PHÚC

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hội nghị ''Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển'' đã nhấn mạnh nội hàm hợp tác phát triển với quan điểm hợp tác được đề cao, hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, Nhà nước và người dân trong tầm nhìn dài hạn. Đây cũng là quan điểm quan trọng trong thu hút đầu tư của Việt Nam và Hà Nội. Hội nghị lần này cũng là định hướng để thực hiện cụ thể hơn Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Theo Thủ tướng, quan điểm trước đây “Hà Nội không vội được đâu” giờ đã lạc hậu, đã cũ, bởi Hà Nội ngày nay tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tích cực tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Hà Nội đã tôn vinh doanh nghiệp; hợp tác tháo gỡ bất cập, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhờ sự năng động của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị, Hà Nội đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn đa quốc gia và nhiều dự án quy mô lớn.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, với vị thế mới của mình, Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam mà trong dòng chảy lịch sử hơn 1.000 năm của mình, ở thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á. Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc ta.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, giờ đây, Hà Nội không còn đặt mục tiêu ganh đua với các địa phương khác trong nước, mà phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố khác trong khu vực. Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, câu trả lời trước hết là Hà Nội phải đạt “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong phát triển. Nhấn mạnh “nhân hòa” chính là yếu tố then chốt nhất của Hà Nội, Thủ tướng khẳng định, hơn 20 năm trước, Hà Nội được vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình”. Đây chính là giá trị "nhân hòa" của Hà Nội. Với những giá trị của niềm tin và hy vọng, ứng xử và tinh thần Hà Nội trong dịch Covid-19, sau hơn 20 năm, Hà Nội tiếp tục khẳng định xứng đáng với danh hiệu đó. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, để tiếp tục tỏa sáng giá trị "nhân hòa", Hà Nội phải làm tất cả để bật ra được hình ảnh trong trí nhớ và trái tim mọi người về “Thành phố Vì hòa bình”; xây dựng Hà Nội xanh, sạch, đẹp; nuôi dưỡng giá trị đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp.

Trong bối cảnh cả nước nỗ lực thực hiện mục tiêu “kép”, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần tạo bước đột phá mới, với bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, truyền thống, bề dày kinh nghiệm lịch sử, sức làm việc năng động sáng tạo, sự phối hợp tích cực giúp đỡ của các bộ ngành, sự ủng hộ của nhân dân cả nước, sự hưởng ứng của cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất định Hà Nội sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, góp phần với sự thắng lợi của cả nước.

Thủ tướng Chính phủ: Quan điểm “Hà Nội không vội được đâu” đã lạc hậu ảnh 2 Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu nêu rõ, Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Kết luận số 77-KL/TW ngày 5-6-2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 23 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Chỉ thị 31-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. "Hội nghị được tổ chức sau khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi là thông điệp mạnh mẽ của thành phố Hà Nội trong kiên trì triển khai chỉ đạo của Trung ương về thực hiện nhiệm vụ “kép” là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư"- đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh và khẳng định Hà Nội tiếp tục thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong, đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh. Đồng thời thể hiện sự gắn kết giữa chính quyền thành phố Hà Nội, lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự với các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như với các đơn vị, tổ chức làm chức năng cầu nối, đưa nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung.

Thủ tướng Chính phủ: Quan điểm “Hà Nội không vội được đâu” đã lạc hậu ảnh 3 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định đầu tư cho các doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: Ảnh: QUANG PHÚC

Trong khi đó, báo cáo về kết quả thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội từ năm 2016 đến nay và Kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2020 và những năm sau, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, những kết quả đạt được về phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô thời gian qua có dấu ấn của sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, của các nhà đầu tư trong suốt những năm vừa qua; sự đồng tình, ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước. Sự đồng hành này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với Hà Nội. Đồng hành cùng Hà Nội quyết tâm thực hiện mục tiêu “kép” vừa chống dịch vừa phát triển triển kinh tế, phấn đấu năm 2020, đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn 1,3 lần mức trung bình của cả nước và thu đủ ngân sách theo dự toán Chính phủ giao là 285.000 tỷ đồng.

Tại hội nghị, thành phố Hà Nội đã tiến hành trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn hơn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD). Trong đó có 100 dự án trong nước với số vốn 227.499 tỷ đồng (vốn tăng thêm 192.215 tỷ đồng); 22 dự án đầu tư vốn FDI có số vốn 5,7 tỷ USD, vốn tăng thêm 3,4 tỷ USD  và 107 dự án đầu tư công. Hà Nội cùng các nhà đầu tư cũng ký kết 38 Biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD.  Nhân dịp này, lãnh đạo TP Hà Nội đã giới thiệu danh mục 282 dự án thành phố Hà Nội mong muốn thu hút đầu tư với tổng số vốn dự kiến hơn 483.000 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục