Quyết tâm của Thủ tướng “thấm” đến từng vị bộ trưởng, trưởng ngành để tất cả bộ máy chuyển động nhanh và đều cùng hướng, thực sự tạo nên một Chính phủ “kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”. Đó là những mong muốn được TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (ảnh) chia sẻ trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.
* Phóng viên: Thưa ông, phát biểu nhậm chức trước Quốc hội hồi cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra những thông điệp hết sức rõ ràng về Chính phủ do ông lãnh đạo. Là một nhà nghiên cứu về quản lý kinh tế, ông có những nhận xét bước đầu như thế nào?
* TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Cá nhân tôi đã theo dõi nhiều phát biểu, chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại nhiều diễn đàn. Có thể nói những thông điệp mà người đứng đầu Chính phủ đưa ra thật sự mạnh mẽ và thể hiện tính cam kết rất cao. Điều quan trọng là những thông điệp của ông cho thấy ông hiểu rõ những vấn đề hóc búa mà chúng ta đang phải đối diện, từ những tồn tại của bộ máy (vẫn còn tồn tại tình trạng bố trí cán bộ theo kiểu “tìm người nhà” thay vì tìm người tài); từ nợ công tăng cao đến xử lý nợ xấu chưa thực chất… đồng thời sẵn sàng nói rõ, sẵn sàng đối diện với sự thật để tìm cách giải quyết chứ không né tránh.
Thời gian điều hành Chính phủ trên cương vị Thủ tướng cũng chưa lâu, nhưng ông cũng đã chịu khó lắng nghe và đã giải quyết nhanh, gọn một số việc mà người dân bức xúc; trong đó có những vụ việc rất cụ thể, nhưng chính từ những vụ việc tưởng là nhỏ ấy lại cô đọng những vấn đề rất lớn hiện nay; giúp người dân, doanh nghiệp lấy lại niềm tin. Chẳng hạn vụ việc quán cà phê Xin Chào, cách xử lý của Thủ tướng cho thấy tư tưởng kiên quyết không hình sự hóa các vụ việc dân sự, đảm bảo quyền tài sản cho người dân và doanh nghiệp. Hay việc chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật, đã cho thấy quan điểm yêu cầu các cơ quan nhà nước phải hành xử có trách nhiệm với tài nguyên thiên nhiên của đất nước, chứ không phải chưa nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa tham khảo ý kiến đối tượng bị ảnh hưởng đã “đẩy” lên cho Thủ tướng. Với nhà máy gang thép Thái Nguyên được đầu tư 8.000 tỷ đồng đang “đắp chiếu” lại đệ đơn xin cứu, xin ưu đãi, Thủ tướng đã dứt khoát trả lời rằng “không thể cứ tiếp tục ném tiền bao cấp và hỗ trợ cho sự yếu kém”. Tôi thấy rất mừng rằng Thủ tướng không ngần ngại giải quyết ngay những việc cụ thể; không coi những việc cụ thể là việc nhỏ, bởi vì việc nhỏ chính là biểu hiện của những vấn đề lớn.
* Dường như ông khá ấn tượng với vai trò cá nhân của Thủ tướng. Câu nói nào của Thủ tướng khiến ông tâm đắc nhất?
* Tôi ấn tượng với “tuyên ngôn” về công tác cán bộ của ông: “tìm người tài chứ không tìm người nhà”. Đấy chính là vấn đề then chốt của bộ máy công quyền hiện nay. Thẳng thắn mà nói, với tư cách người đứng đầu một bộ máy, người giữ trọng trách đầu tàu, định hướng và giữ nhịp cho cả đoàn tàu chuyển động nhanh, đều và cùng hướng, thì Thủ tướng còn rất nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, Thủ tướng khẳng định lấy người dân và doanh nghiệp (DN) làm đối tượng phục vụ, phải tháo bỏ rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhưng tinh thần đó chưa thẩm thấu xuống đến các bộ ngành, đặc biệt là nhiều vị bộ trưởng, trưởng ngành. Rất nhiều vấn đề bức xúc của DN, mà không chỉ các DN “kêu” đâu, cả Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, rồi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phản ánh rất nhiều lần mà chưa được giải quyết.
Một phiên họp của Chính phủ diễn ra vào đầu tháng 6-2016. Ảnh: VGP
* Xin ông nêu vài ví dụ cụ thể?
* Có quá nhiều ví dụ như thế, nêu trong các báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 19. Đáng lẽ với tinh thần kiến tạo thì không phải chờ DN “kêu” mà lẽ ra cơ quan quản lý nhà nước khi thấy có vướng mắc thì phải tìm hiểu, chủ động giải quyết. Hệ thống công chức của chúng ta luôn nói đến chuyện “đúng quy trình, quy định”. Đúng quy trình, quy định mà không giải quyết được vướng mắc thì phải sửa quy trình, quy định chứ!
* Và đó là lý do phải soạn thảo một luật sửa nhiều luật về đầu tư và kinh doanh? Đáng tiếc là dự luật chưa trình được tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi?
Sửa luật là một trong những việc phải làm. Tại kỳ họp vừa rồi dự thảo chuẩn bị chưa kỹ nên chưa trình được. Nhưng bên cạnh việc sửa luật, quan trọng nhất là Thủ tướng “ép”, xã hội “đẩy” để tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo và phục vụ của Thủ tướng trở thành tinh thần của tất cả các thành viên Chính phủ và toàn bộ bộ máy nhà nước. Ngày 29-4 vừa rồi, sau bao năm ấp ủ, đại diện các DN tư nhân đã có dịp trực tiếp đối thoại với Thủ tướng; những kiến nghị của DN được tập hợp hàng mấy trăm trang, trong đó có những kiến nghị đã nêu đi nêu lại rất nhiều lần, trong nhiều năm đằng đẵng. Tôi được biết với sự quan tâm đặc biệt, Thủ tướng đích thân phụ trách mảng cải thiện môi trường kinh doanh và hy vọng ông quyết liệt yêu cầu các bộ, các cơ quan có trách nhiệm phải báo cáo cụ thể, thường xuyên về tình hình giải quyết kiến nghị của DN.
* Xin cảm ơn ông!
ANH THƯ thực hiện