Thủ tướng giao Bộ Công an làm rõ vụ tàu cá vỏ thép kém chất lượng

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ vụ việc đóng tàu kém chất lượng ở Bình Định và một số địa phương; báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 8-2017.
Tàu vỏ thép Bình Định nối nhau nằm bờ vì hỏng máy, rỉ sét trầm trọng. Ảnh: NGỌC OAI
Tàu vỏ thép Bình Định nối nhau nằm bờ vì hỏng máy, rỉ sét trầm trọng. Ảnh: NGỌC OAI

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc làm rõ chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.

Theo đó, vừa qua báo chí, dư luận phản ánh nhiều về vụ việc tàu cá đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ tại một số địa phương không đảm bảo chất lượng để hoạt động đánh bắt thủy sản. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ vụ việc đóng tàu kém chất lượng ở Bình Định và một số địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 8-2017. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN-PTNT có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ trên.

Tàu đang rỉ sét, hoang phế dần khiến các ngư dân hết sức lo lắng, bất an khi ra khơi xa đánh bắt. Ảnh: NGỌC OAI
Trước đó, chiều 3-7, tại phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã đề nghị Chính phủ quan tâm thực hiện các kiến nghị của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tại báo cáo kiến nghị của cử tri mà MTTQ Việt Nam tập hợp tại kỳ họp thứ 3, trong đó có việc kiểm tra rà soát việc đóng tàu cho ngư dân theo Nghị định 67 khi tàu chất lượng kém, không ra khơi được. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với kiến nghị này của ông Trần Thanh Mẫn.

Vừa qua, các ngư dân phản ánh hàng loạt tàu cá vừa ra khơi đã hư hỏng, cơ quan chức năng cần truy trách nhiệm cơ sở đóng tàu, đồng thời yêu cầu các cơ sở này nhanh chóng khắc phục để ngư dân ra khơi.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, trên địa bàn tỉnh đã có 56 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng vay vốn đóng mới tàu với các ngân hàng, trong đó 47 tàu vỏ thép, 5 tàu vỏ composite, 4 tàu vỏ gỗ. Các ngân hàng đã giải ngân cho 56 hợp đồng với số tiền trên 816 tỷ đồng, dư nợ cho vay hiện tại khoảng 813 tỷ đồng. Qua kiến nghị của ngư dân, tỉnh đã kiểm tra và phát hiện 18 tàu vỏ thép bị hư hỏng. Trong đó, 5 tàu đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương trong tình trạng sơn vỏ tàu bị bong tróc, vỏ tàu, mặt boong, cabin, hầm bảo quản kém chất lượng, bị thay đổi thiết kế…

Đối với 13 tàu đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu có tình trạng thân vỏ tàu bị gỉ sét, trong đó có 4 tàu hư hỏng nặng về máy chính, máy phát điện, hầm bảo quản…

UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định thành lập Tổ thẩm định chất lượng tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67. Kết quả ban đầu, Tổ thẩm định ghi nhận vỏ tàu bị gỉ sét, chất lượng thép không đúng theo hợp đồng như thay thế thép Hàn/Nhật bằng thép Trung Quốc, sơn không bảo đảm theo quy trình, máy tàu không phải chính hãng Mitsubishi và linh kiện bên trong máy không phù hợp, thiết bị hàng hải chưa đúng thiết kế. Chất lượng con tàu chưa bảo đảm và việc giám sát của chủ tàu chưa phù hợp.

Bình Định đã đình chỉ việc nhận thêm hợp đồng đóng mới tàu vỏ thép đối với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu. Hai đơn vị đóng tàu nói trên phải có trách nhiệm khắc phục những hư hỏng.

Tin cùng chuyên mục