(SGGP).- Ngày 16-1, UBND tỉnh Quảng Nam có cuộc làm việc với các sở ban ngành của tỉnh để bàn phương án, kịch bản sơ tán 62.662 người ở 145 thôn, khối phố của 51 xã, thị trấn của 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nếu xảy ra động đất tại Bắc Trà My.
Theo kịch bản, sau khi xuất hiện động đất tại vùng Bắc Trà My, đập thủy điện Sông Tranh 2 đang chứa 730 triệu m3 nước bị vỡ, dưới hạ du đang có ngập lụt, Quảng Nam lập tức điều động mỗi thôn, khối phố 1 đội tìm kiếm cứu nạn với khoảng 25 - 30 người; ở cấp xã phường, thị trấn điều động một trung đội dân quân cơ động; cấp huyện, thành phố điều động 1 đại đội dự bị động viên, 1 trung đội dân quân cơ động cùng lực lượng cơ động của tỉnh để kịp thời ứng cứu ngay lập tức. Ngoài ra, tỉnh huy động các lực lượng chính quy tổ chức di dân và cứu hộ, cứu nạn trên diện rộng. Khi sự cố vỡ đập xảy ra, phải sơ tán dân bằng nhiều phương tiện đến nơi tập kết có độ dài 0,5km - 4,5km. Ban Quản lý dự án thủy điện 3, chủ đầu tư công trình, có trách nhiệm báo động diễn biến động đất rộng rãi cho người dân và chính quyền địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng chủ động sơ tán đến những nơi an toàn.
Chính quyền địa phương triển khai lực lượng bảo vệ, đảm bảo an ninh cho nhân dân vùng sơ tán, triển khai lực lượng y tế sơ cứu tại chỗ; kịp thời ứng cứu lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống cho những gia đình gặp khó khăn…
Tuy nhiên, tại buổi làm việc này, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho rằng, do 5 trạm quan trắc động đất đặt tại các xã Trà Đốc, Trà Bui, Trà Tân, Trà Giác (huyện Bắc Trà My) và Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước) không thể dự báo được động đất nên việc sơ tán dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Toàn huyện có 5 xã phải di dời đến 18 điểm nhưng khi sự cố vỡ đập xảy ra người dân sẽ hoang mang và chạy tán loạn nên sẽ khó tập kết như kế hoạch. Do dân cư sống phân tán nên các ngành chức năng cần lắp đặt hệ thống thông báo như còi hụ để chính quyền và người dân biết khi có sự cố xảy ra.
Các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An… cho rằng quan trọng nhất vẫn là công tác thông tin kịp thời để người dân sơ tán đến nơi kiên cố, điểm cao an toàn. Bên cạnh đó, các ngành chức năng phải đưa phương án khắc phục sự cố, xử lý hậu quả vào kịch bản để khỏi bị động nếu xảy ra sự cố.
Liên quan đến thủy điện Sông Tranh 2, Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo kết luận của Thủ tướng nêu rõ, để chắc chắn hơn, với mục tiêu an toàn cao nhất cho tính mạng của nhân dân, yêu cầu chưa được tích nước phát điện đập thủy điện Sông Tranh 2 để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ thêm về động đất. Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải thuê chuyên gia tư vấn hàng đầu của quốc tế như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ để khảo sát, đánh giá về động đất kích thích liên quan tới an toàn của đập.
Đối với dự án thủy điện Sông Tranh 2, Thủ tướng cho rằng, công tác chuẩn bị đầu tư đã thực hiện đúng quy định, dự án nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; theo đánh giá của tư vấn độc lập quốc tế, các thông số đầu vào sử dụng tính toán là có cơ sở. Tuy nhiên, trong xây dựng có sơ xuất để xảy ra thấm nước ra mặt hạ lưu đập, gây dư luận không tốt, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiêm túc rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. “Khi hồ thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, đã gây nên động đất kích thích, tuy không gây mất an toàn cho công trình nhưng đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhiều nhà dân bị hư hỏng, Chính phủ rất chia sẻ với lo lắng của người dân”, kết luận Thủ tướng nêu rõ. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam được giao khẩn trương lập đề cương, dự toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai lắp đặt 5 trạm địa chấn tại khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2.
Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương chỉ đạo EVN quản lý vận hành Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và vùng hạ du; đồng thời chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng phương án ứng phó trong các trường hợp sự cố đập thủy điện với các kịch bản khác nhau. UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với EVN thực hiện rà soát, hỗ trợ kinh phí cho hộ dân, khu tái định cư, trường học, các công trình xây dựng bị ảnh hưởng do động đất.
Cũng tại thông báo kết luận này, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan cần khẩn trương rà soát lại toàn bộ quy hoạch thủy điện trong cả nước. Rà soát lại tất cả các dự án thủy điện hiện có, tập trung rà soát xem hồ đập có an toàn không, phải sửa chữa gia cố ngay các sơ sót khiếm khuyết, nếu không an toàn là không được vận hành. Đồng thời, phải rà soát lại việc tái định cư, xem người dân sống thực tế thế nào, nếu chưa đạt yêu cầu mà Đảng và Nhà nước đề ra thì phải đề xuất cơ chế chính sách, kể cả chính sách đặc thù để đồng bào ta có điều kiện sống tốt hơn. Thủ tướng cũng yêu cầu phải quản lý chặt chẽ việc xây dựng mới các dự án thủy điện.
Các dự án thủy điện đã có trong quy hoạch nhưng trước khi quyết định đầu tư phải được thẩm định một cách chặt chẽ. Riêng với Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Thủ tướng kết luận dự án có công suất phát điện khá lớn, đã được đưa vào quy hoạch nhưng phải được tiến hành thẩm định một cách nghiêm túc, đúng theo các quy định của pháp luật, nếu không đạt các yêu cầu nêu trên thì không được quyết định đầu tư xây dựng. Cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép đầu tư xây dựng phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và các yêu cầu mà Chính phủ đề ra và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
NHÓM PV