Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự G-20: Chia sẻ và ủng hộ các nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu

Ngày 27-6, Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G-20 đã khai mạc tại TP Toronto của Canada với trọng tâm thảo luận các chính sách có thể thực hiện nhằm thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ những năm 30 của thế kỷ trước, đồng thời giải quyết những căn nguyên gốc rễ của cuộc khủng hoảng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự G-20: Chia sẻ và ủng hộ các nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu

Ngày 27-6, Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G-20 đã khai mạc tại TP Toronto của Canada với trọng tâm thảo luận các chính sách có thể thực hiện nhằm thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ những năm 30 của thế kỷ trước, đồng thời giải quyết những căn nguyên gốc rễ của cuộc khủng hoảng.

Các nhà lãnh đạo G-20 đang tìm cách đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc rộng lớn hơn nhằm giảm một nửa thâm hụt ngân sách trong vòng 3 năm tới và đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về hoạt động ngân hàng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên khai mạc Hội nghị cấp cao G-20. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên khai mạc Hội nghị cấp cao G-20. Ảnh: TTXVN

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các trưởng đoàn tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G-20 đã có buổi làm việc về chủ đề “Kinh tế thế giới: Triển vọng và thách thức”.

Các nhà lãnh đạo tham dự phiên họp cho rằng từ đầu năm 2010, kinh tế thế giới đã có bước phục hồi rõ nét và nhanh hơn dự kiến nhờ những gói kích thích kinh tế và nỗ lực cải cách của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, quá trình phục hồi kinh tế thế giới chưa bền vững và còn nhiều rủi ro. Quan điểm của Việt Nam với tư cách đại diện các nước ASEAN là chia sẻ và ủng hộ các nỗ lực của G-20 đối phó với những thách thức trước mắt (thâm hụt ngân sách, nợ công, lạm phát…) nhằm đảm bảo kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi và tránh nguy cơ bất ổn tài chính tại một số nước lan rộng thành khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp 3 bên với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan. Cả 3 nhà lãnh đạo đều cho rằng ASEAN cần đóng góp một cách tích cực vào các nội dung thảo luận của Hội nghị thượng đỉnh G-20.

Hãng tin Reuters đưa tin, theo dự thảo tuyên bố chung G-20 mà hãng này có được, nhóm 20 nhà lãnh đạo G-20 có thể đạt được thỏa thuận về những nguyên tắc chung nhằm giảm một nửa mức thâm hụt ngân sách trong 3 năm tới đồng thời thắt chặt các quy định về vốn ngân hàng. Song, các nhà lãnh đạo nhất trí rằng mỗi nước có thể lựa chọn thời gian biểu riêng cho mình.

Dự thảo tuyên bố chung cho thấy các quốc gia sẽ được phép lựa chọn nên áp thuế đối với các ngân hàng hay thu hồi các khoản tiền đã chi để cứu trợ ngân hàng - châu Âu đòi áp một mức thuế trên toàn cầu - và có thể từng bước thi hành những quy định nghiêm ngặt hơn về vốn ngân hàng tùy thuộc vào nhu cầu của từng quốc gia.

Về thương mại, dự thảo nhấn mạnh đến thời hạn chót là năm 2010 phải hoàn tất vòng đàm phán thương mại thế giới Doha, trong khi G-8 đề xuất tập trung vào những thỏa thuận khu vực và song phương.

Quang cảnh khai mạc Hội nghị cấp cao G-20.

Quang cảnh khai mạc Hội nghị cấp cao G-20.

Bất chấp kế hoạch bảo vệ an ninh nghiêm ngặt và tốn kém gần 1 tỷ USD của nước chủ nhà, khoảng 10.000 người đã tiến hành biểu tình trong ngày khai mạc hội nghị. Những người biểu tình đã đốt cháy nhiều xe hơi, trong đó có cả xe của cảnh sát và đập vỡ nhiều cửa kính trên các đường phố gần nơi diễn ra hội nghị. Cảnh sát đã bắt giữ 130 người gây rối.

Việt Anh

Tin cùng chuyên mục