Theo TTXVN, ngày 29-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-sik. Hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa 2 nước theo tinh thần đối tác hợp tác chiến lược trên tất cả các lĩnh vực; phối hợp chặt chẽ để tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm trong Năm hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc nhằm tăng cường tình hữu nghị và giao lưu hợp tác giữa nhân dân 2 nước.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự buổi tọa đàm bàn tròn với các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Seoul. Bộ trưởng Kinh tế tri thức Hàn Quốc Suk Woo Hong và trên 50 doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc đã tham dự. Các doanh nghiệp Hàn Quốc hoan nghênh Việt Nam thí điểm thông quan điện tử, đồng thời kiến nghị Việt Nam giải đáp thêm một số vấn đề về cải cách thủ tục hành chính, thu hút và huy động nguồn nhân lực; hợp tác phát triển công nghiệp điện, điện tử, viễn thông... Các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao lợi thế về nguồn nhân lực và tiềm năng phát triển kinh tế dồi dào của Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng, khu vực mang tầm quan trọng chiến lược, trong đó Hàn Quốc là một ưu tiên. Hiện Hàn Quốc đang có 3.000 dự án đầu tư ở Việt Nam với số vốn đăng ký 24 tỷ USD và là quốc gia cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn cho Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 18 tỷ USD trong năm 2011...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, Việt Nam đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cùng với nỗ lực phát huy tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước, Việt Nam thực hiện chủ trương nhất quán là đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để tạo môi trường thuận lợi và thu hút thêm nhiều nguồn lực bên ngoài, nhất là nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, thị trường xuất khẩu.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng, ủng hộ các doanh nghiệp Hàn Quốc và mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục tăng cường đầu tư, hợp tác kinh tế trong những lĩnh vực mà các nhà đầu tư Hàn Quốc có thế mạnh.
Chiều 29-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam rời Seoul, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hàn Quốc và tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ hai theo lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak.
Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra thông cáo báo chí chung đánh giá cao ý nghĩa và kết quả chuyến thăm cũng như sự hợp tác hiệu quả trong mọi lĩnh vực. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì và tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước thông qua các hình thức linh hoạt, đa dạng như thăm song phương, gặp gỡ tại các diễn đàn đa phương, cử đặc phái viên... nhằm trao đổi ý kiến về những vấn đề quan trọng trong quan hệ hai nước cũng như về các vấn đề quốc tế và khu vực nhằm tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Hai bên nhất trí không ngừng phát triển các cơ chế đối thoại cũng như tăng cường hợp tác thực chất giữa các cơ quan ngoại giao, an ninh, quốc phòng hai nước.
Đỗ Cao