Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tại lễ hội Gò Đống Đa

Sáng 1-2 (mùng 5 Tết Đinh Dậu), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và TP Hà Nội đã đến dự và dâng hương tại lễ hội Gò Đống Đa, kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đánh tan hơn 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh cách đây 228 năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tại lễ hội Gò Đống Đa

(SGGPO).- Sáng 1-2 (mùng 5 Tết Đinh Dậu), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và TP Hà Nội đã đến dự và dâng hương tại lễ hội Gò Đống Đa, kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đánh tan hơn 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh cách đây 228 năm.

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789) đã đi vào lịch sử dân tộc, ghi dấu công tích vang dội của Hoàng đế Quang Trung cùng tướng lĩnh, nghĩa quân Tây Sơn và những người con đất Việt đã anh dũng chiến đấu, hy sinh chống giặc ngoại xâm, giải phóng Kinh thành Thăng Long xưa để có được Hà Nội nghìn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình ngày nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và TP Hà Nội đã đến dự và dâng hương tại lễ hội Gò Đống Đa sáng mùng 5 Tết Đinh Dậu. Ảnh: Lã Anh

 

Cùng ngày, lễ khai bút đầu xuân Đinh Dậu 2017 được Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp cùng huyện Thanh Trì tổ chức tại đình thờ Tiên triết Chu Văn An, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Lãnh đạo thành phố Hà Nội cùng đông đảo nhân dân và các học sinh đã tham dự lễ khai bút. Trước lễ khai bút, các đại biểu đã dâng hương tưởng nhớ và tri ân công đức của Tiên triết, Đức Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, đồng thời báo cáo thành tích năm học vừa qua của ngành GD-ĐT Hà Nội. Năm nay, chữ được lựa chọn để khai bút là: “Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm” là 5 điều Bác Hồ căn dặn cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng..

 

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Đống Đa, TP Hà Nội Nguyễn Song Hào ôn lại, mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, ngày này cách đây đúng 228 năm, trên mảnh đất lịch sử này, nghĩa quân Tây Sơn, dưới sự chỉ huy của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, đã hành quân thần tốc, táo bạo tiến công vào Kinh thành Thăng Long và đỉnh cao là trận chiến sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu, đánh tan hơn 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, Kinh thành Thăng Long được giải phóng, đất nước trở lại bình yên. Từ đó, ngày mùng 5 tháng Giêng hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm truyền thống thiêng liêng, trọng đại, có ý nghĩa lịch sử rất lớn đối với nhân dân cả nước.

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là sự hội tụ, phát huy tinh thần yêu nước, yêu độc lập, tự do nghìn đời của dân tộc Việt Nam, của truyền thống đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường không cam chịu sống kiếp đời nô lệ. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là chiến công vĩ đại, hiển hách, mãi mãi đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, là bản hùng ca bất hủ trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Lễ hội Gò Đống Đa kéo dài hết ngày mùng 5 Tết với các chương trình rước rồng lửa Thăng Long, các tiết mục thi đấu võ thuật, cờ người cờ tướng... thể hiện tinh thần thượng võ, khí thế hào hùng của chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử, hào hùng.

>> Một số hình ảnh tại lễ hội Gò Đống Đa

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tại lễ hội Gò Đống Đa ảnh 4
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tại lễ hội Gò Đống Đa ảnh 5
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tại lễ hội Gò Đống Đa ảnh 6

* Ngày 1-2, tại Bảo tàng Quốc gia Quang Trung, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, lãnh đạo tỉnh Bình Định và huyện Tây Sơn đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2017).

Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã đọc diễn văn ôn lại truyền thống hào hùng cùng những chiến công hiển hách của phong trào nông dân Tây Sơn, mà đỉnh cao là chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đánh bại 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng dân tộc, thu giang sơn về một mối vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789.

Cùng ngày, các đại biểu đã dâng hoa, dâng hương tại Đài Kính Thiên ở Núi Ấn, thôn Hòa Sơn (xã Bình Tường) và Đền thờ song thân Tây Sơn Tam Kiệt tại Di tích Gò Lăng nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của song thân Tây Sơn Tam Kiệt cùng 3 anh em nhà Tây Sơn và các văn thần, võ tướng đã lập nên chiến công oai hùng đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước.

Dịp này, tại Bảo tàng Quốc gia Quang Trung diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như: Chương trình nghệ thuật tổng hợp, biểu diễn võ thuật cổ truyền Bình Định; hội bài chòi cổ dân gian; chương trình biểu diễn nghệ thuật của Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định và Nhà hát Tuồng Đào Tấn; hội thi các môn thể thao truyền thống… nhằm phục vụ khách du xuân.

Sáng 1-2, tại Tượng đài Quang Trung (phường An Tây, TP Huế), đông đảo du khách thập phương đã đến dâng hương, hoa tưởng nhớ 229 năm Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung (1788-2017) và 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

MAI AN - VĂN THẮNG
Ảnh: LÃ ANH

Những mùa xuân huyền thoại

Tối 1-2, tại Trung đoàn Gia Định, TPHCM đã diễn ra chương trình sân khấu hóa với chủ đề “Những mùa xuân huyền thoại” nhân kỷ niệm lần thứ 228 Ngày chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử (1789 - 2017).

Đến dự có các đồng chí: Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM…, cùng các đồng chí lãnh đạo TPHCM và đông đảo người dân TPHCM, các cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Gia Định.

Với chủ đề “Những mùa xuân huyền thoại”, chương trình sân khấu hóa năm nay chia làm hai phần chính. Phần đầu tái hiện lịch sử nhà Tây Sơn mà tiêu biểu là hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung. Các tiết mục đã tái hiện những sự kiện quan trọng trong cuộc đời ông, từ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, các chiến công như Rạch Gầm dậy sóng, chiến dịch Ngọc Hồi - Đống Đa…

Khi phần 1 đang diễn ra, một cơn mưa lớn đã đổ xuống khu vực nhưng các đại biểu, cán bộ, chiến sĩ, quân dân vẫn ngồi lại tiếp tục thưởng thức chương trình. Cảnh diễn trận đánh Rạch Gầm Xoài Mút diễn ra trong cơn mưa lớn đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Phần 1 khép lại với hình ảnh toàn dân mừng vui chiến thắng, hát mãi khúc chiến ca mùa xuân Kỷ Dậu.

Phần 2 của chương trình xây dựng hình ảnh những mùa xuân huyền thoại của thế kỷ 20 như mùa xuân của đất nước độc lập, mùa xuân của ngày thống nhất… qua những ca khúc như Đảng đã cho ta mùa xuân, ca cổ Đất nước vào xuân, Mùa xuân trên TPHCM…

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục