Trong hai ngày 2 và 3-12, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ngày 3-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự đại hội và có bài phát biểu với các đại diện DNNVV.
Phát biểu tại đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng hiệp hội đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba và các đồng chí đã trúng cử Ban chấp hành, Ban thường vụ và Ban kiểm tra nhiệm kỳ 2016 - 2021 của hiệp hội, do đồng chí Nguyễn Văn Thân, một doanh nhân thành đạt, là đại biểu Quốc hội, làm Chủ tịch hội khóa 14. Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã tập trung xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, phục vụ người dân và DN. Thúc đẩy khởi nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển và thành công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi đại biểu tham dự đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Đổi mới tư duy, cách tiếp cận
Thủ tướng cho biết, với một tinh thần mới, cách tư duy mới, Chính phủ đã trực tiếp đối thoại, lắng nghe DN, trên cơ sở đó ban hành các nghị quyết số 19/NQ-CP, số 35/NQ-CP và hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp vừa qua. Chính phủ xác định trọng tâm trách nhiệm của mình là cải cách thể chế, xây dựng chính sách, thực hiện chiến lược và quy hoạch. Trong chỉ đạo và điều hành phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, “duyệt - cấp”, lợi ích nhóm, sân sau, tham nhũng, trục lợi...
Thủ tướng nhấn mạnh, cần có sự thay đổi nhận thức một cách căn bản và sâu sắc, phải thực sự lấy kinh tế tư nhân là một động lực hết sức quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Phải tạo ra một môi trường bình đẳng và minh bạch, DNNVV mới có đầy đủ cơ hội để phát triển và thành công. Xây dựng môi trường liêm chính. Phải xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu đang bóp chết việc làm ăn chân chính, xóa bỏ tư tưởng quan hệ tốt với chính quyền sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn các tài nguyên, đất đai, thể chế và các ưu đãi ngầm, không chỉ giữa các khu vực kinh tế với nhau mà còn bình đẳng ngay trong mọi khu vực. Ngược lại, Thủ tướng đề nghị đội ngũ doanh nhân và cộng đồng DN hãy nói không với tiêu cực, thực hiện kinh doanh với tinh thần liêm chính, không tiếp tay cho tiêu cực, nhũng nhiễu.
Thủ tướng mong muốn hiệp hội phải xác định luôn mang lại lợi ích chính đáng và thiết thực cho các thành viên, chứ không phải là đơn thuần thu hội phí với các hoạt động nghèo nàn và bộ máy tổ chức nặng về hành chính xơ cứng. Thủ tướng mong các DN chiếm lĩnh thị trường trong nước, xây dựng thương hiệu và vươn ra biển lớn. Cả nước hiện có hơn 600.000 DN. Trong 11 tháng năm 2016, đã có 102.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký gần 798.000 tỷ đồng. Mục tiêu của chúng ta là đến năm 2020 sẽ có thêm 1 triệu DN. Nhiều khảo sát cho thấy, yếu tố thúc đẩy xu hướng tiêu dùng tại thị trường Việt Nam là do độ tin cậy đối với thương hiệu hàng Việt Nam tăng lên theo từng năm, đồng thời nhiều nhãn hàng Việt Nam đã có thể cạnh tranh với nhãn hàng nước ngoài. Kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và có nhu cầu thực sự về tiêu thụ nội địa. Đó chính là động lực thay đổi nền kinh tế. Cần tạo điều kiện thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại, có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Cùng với đó, DN cần tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng và phân phối toàn cầu. Gia nhập chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia cũng chính là hướng đi phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Thủ tướng cho rằng, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đặc trưng bởi công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh và thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Thiết bị di động trở thành công cụ trung tâm; công nghệ mô phỏng sinh học, hóa học xanh, sinh thái học công nghiệp, năng lượng tái sinh, công nghệ nano xanh sẽ phát triển mạnh và thay đổi cuộc sống con người. Dự báo, nhiều sản phẩm hoàn toàn mới lạ sẽ xuất hiện trong 10 năm tới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cơ bản vẫn đang ở giai đoạn của cách mạng công nghiệp lần thứ hai, chủ yếu là dây chuyền gia công lắp ráp. Ngành dệt may, da giày, khai khoáng vẫn tự bằng lòng với cách phát triển dựa vào nhân công giá rẻ và tài nguyên, hệ quả là kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị mang lại thấp; chỉ có chưa đến 0,1% DN khoa học công nghệ trong tổng số DN. Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ của DN Việt Nam chỉ chưa đầy 0,3% doanh thu trong khi tại Ấn Độ tỷ lệ này là 5%, Hàn Quốc là 10%, Nhật Bản là 50%.
“DN Việt Nam ta phải làm gì để nâng cao năng lực của mình, để tận dụng mọi cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư? Đây chính là câu hỏi lớn mà hiệp hội chúng ta cùng các thành viên cần đưa ra câu trả lời. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp để tiếp cận cơ hội và đối phó với thách thức”, Thủ tướng cho biết. Đồng thời khẳng định, Chính phủ sẽ không ngừng tạo dựng, hoàn thiện một môi trường kinh doanh thuận lợi để các DN ổn định và phát triển.
Với số lượng chiếm đa số trong cộng đồng DN (trên 97%), các DNNVV là lực lượng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động; trong đó đóng góp khoảng 40% GDP, 33% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút khoảng 50% lực lượng lao động của cả nước. |
PHAN THẢO