Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc, gỡ khó cho TPHCM về giải ngân vốn đầu tư công

Chiều 27-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TPHCM về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố; UBND TPHCM đã kiến nghị 9 nội dung lớn, trong đó có kiến nghị xem xét nới room tín dụng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, trong đó có lĩnh vực sản xuất, xăng dầu và bất động sản.

Cùng dự có Bộ trưởng và Thứ trưởng các Bộ: Xây dựng, KH-CN, Y tế, GTVT. Về phía TPHCM có các đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM và đại diện các sở ban ngành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc, gỡ khó cho TPHCM về giải ngân vốn đầu tư công ảnh 1 Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi cùng các đồng chí lãnh đạo TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thủ tướng Chính phủ: “Đã bàn, đã nói là phải làm”

Phát biểu định hướng nội dung tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng và tự hào trước sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM sau đại dịch Covid-19.

Theo Thủ tướng, dù bị bào mòn sức lực trong đại dịch, nhưng TPHCM đã phục hồi mạnh mẽ với thành tích đáng ngạc nhiên. GRDP đã tăng hơn 9%, trong khi năm ngoái là -6,79%. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng tới 17,3%. Thu ngân sách đến nay đạt 1/3 tổng thu ngân sách cả nước. Trong 11 tháng đầu năm, TPHCM đã đóng góp thành quả quan trọng vào thành quả chung cả nước, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. 

Với những kết quả đó, Thủ tướng nhấn mạnh, TPHCM tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, là động lực phát triển của đất nước, truyền cảm hứng cho sự phát triển chung. Do vậy, Chính phủ xét thấy cần thiết phải làm việc với TPHCM để ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng của Đảng bộ, Chính quyền, doanh nghiệp, nhân dân TPHCM. Mặt khác, tình hình cũng đang khó khăn liên quan đến bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán… hiện đang có những tác động, có thể có rủi ro. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc, gỡ khó cho TPHCM về giải ngân vốn đầu tư công ảnh 2 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo Thủ tướng, có rất nhiều việc để làm, nhưng đoàn công tác chọn một vài việc làm trước, cụ thể là giải ngân đầu tư công. Đây là một trong những điểm yếu trong nhiều năm. Tổng số vốn đầu tư công chiếm tỷ lệ rất lớn của cả nước, thì việc tháo gỡ, giải quyết cho TPHCM sẽ có tác động tích cực đến kinh tế xã hội của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. 

Thủ tướng lưu ý, trong cách làm việc cần chọn một vài việc để thực hiện, tạo động lực, cảm hứng để tiếp tục giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc khác. “Đã bàn, đã nói là làm, đã cam kết đã hứa là phải thực hiện, đã thực hiện phải có hiệu quả, mang lại thu nhập cho người dân, thuận lợi cho doanh nghiệp”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc, gỡ khó cho TPHCM về giải ngân vốn đầu tư công ảnh 3 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 dự kiến đạt 86%

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thông tin, dù gặp nhiều biến động, khó khăn, thách thức hơn so với thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2022, nhưng việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố đạt nhiều kết quả tích cực.

Đặc biệt, kinh tế tăng trưởng khá cao, hơn 9% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6% - 6,5%), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 17,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ. Thu ngân sách ước đạt 457.500 tỷ đồng, đạt 118,35% dự toán được giao và tăng 17,05% so với cùng kỳ.

Việc thực hiện chủ đề năm 2022 đạt nhiều kết quả theo kế hoạch, môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực thúc đẩy phát triển các ngành; tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.

Đến nay, dự kiến có 15/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 cơ bản đạt và vượt kế hoạch; có 2/19 chỉ tiêu dự kiến không đạt, có 2/19 chỉ tiêu chưa đủ cơ sở tính toán và đánh giá.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc, gỡ khó cho TPHCM về giải ngân vốn đầu tư công ảnh 4 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, dù tình hình phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đạt được những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, tình hình tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tâm lý chung thị trường, của doanh nghiệp, nhân dân, dự báo có thể kéo dài. Tình trạng khan hiếm xăng, dầu cục bộ trên địa bàn thành phố còn diễn biến phức tạp.

Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc mặc dù được cải thiện nhưng còn chậm, nhất là trong việc trao đổi, xin ý kiến chuyên môn, hướng dẫn về lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

Việc triển khai lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM còn chậm, chưa đạt tiến độ theo yêu cầu.

Ngoài ra, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, sản xuất cầm chừng hoặc giảm việc dẫn đến nhiều công nhân mất việc, giảm thu nhập. Tình hình cung ứng xăng dầu không ổn định làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân, ảnh hưởng lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, đến hết ngày 25-11, TPHCM đã giải ngân tổng số vốn hơn 12.600 tỷ đồng, đạt 34%. Dự kiến cả năm, thành phố giải ngân được 86% tổng số vốn giao. 

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, thành phố đã triển khai các giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung chỉ đạo sâu sát công tác giải ngân kế hoạch vốn, bằng nhiều giải pháp thông qua việc ban hành chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, thành lập 3 tổ công tác để tăng cường các giải pháp hỗ trợ cho các nhóm dự án có số vốn được giao lớn trong năm 2022.

Bên cạnh đó, thành phố thực hiện linh hoạt trong công tác điều hành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, điều hòa nội bộ, bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, hấp thụ vốn tốt, cho các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện dự án tại hiện trường.

Đối với việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm, TPHCM tập trung tích cực triển khai thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới và đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các dự án trọng điểm.

Trong đó, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã đạt gần 93% tiến độ, dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đã bàn giao mặt bằng đạt hơn 85% (501/586 trường hợp), dự kiến đến quý II năm 2023 hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của dự án. 

Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 qua địa bàn, TPHCM đang hoàn tất các thủ tục để phê duyệt hai dự án thành phần (xây lắp và bồi thường) trước ngày 30-11; đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30-6-2023, cơ bản bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trước ngày 31-12-2023.

TPHCM kiến nghị nới room tín dụng thêm 2%

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nêu nhiều kiến nghị lớn của TPHCM. 

Thứ nhất, TPHCM kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất và bất động sản. 

Cụ thể là xem xét nới room tín dụng thêm 2%; cho phép sử dụng nguồn tiền gửi tại 4 ngân hàng quốc doanh giải ngân cho các doanh nghiệp phát hành trái phiểu để thanh toán kỳ hạn ngắn. Bên cạnh đó là xem xét, sớm thành lập Quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp như Chính phủ một số nước đang làm. TPHCM đề xuất xem xét việc phong tỏa tài sản của các đơn vị có hoạt động liên quan đến một số vụ việc; chỉ đạo đẩy nhanh công tác hoàn thuế cho doanh nghiệp...

Về du lịch, TPHCM kiến nghị Chính phủ xem xét tăng thời hạn visa, hiện cấp 15 ngày cho du khách là quá ngắn.

Về phân cấp, ủy quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung đô thị, trong thời gian chờ sửa đổi Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội hoặc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, đối với từng trường hợp cụ thể, kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho UBND TPHCM thực hiện thí điểm tổ chức thẩm định, trình phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, sau đó cập nhật vào quá trình lập, thẩm định và phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc, gỡ khó cho TPHCM về giải ngân vốn đầu tư công ảnh 5 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi. làm việc Ảnh:VIỆT DŨNG

Thứ hai, liên quan khó khăn của thị trường xăng dầu, TPHCM kiến nghị Chính phủ chú trọng mở room tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu. Đồng thời tính toán tỷ lệ chiết khấu hợp lý để đảm bảo an ninh chuỗi bán lẻ xăng dầu. Ngoài ra phải tính toán lại công tác tổ chức dự trữ xăng dầu quốc gia vì đây là mặt hàng có tính chiến lược quan trọng.

Thứ ba, TPHCM kiến nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt ổn định tình hình sau vụ việc của Ngân hàng SCB, nhất là hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời thông tin đầy đủ để người mua trái phiếu an tâm hơn.

Thứ tư, với lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường, TPHCM kiến nghị Chính phủ cho phép TPHCM thí điểm thực hiện áp dụng "Căn cứ để giao đất, cho thuê đất là văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đấu thầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền" đối với các quỹ đất được chấp thuận chủ trương thanh toán cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BT) trước ngày 1-1-2021. 

Ngoài ra, cho phép thí điểm gia hạn sử dụng đất với một số trường hợp; cho phép Trung tâm Phát triển quỹ đất triển khai công tác khai thác ngắn hạn đối với các khu đất do Trung tâm quản lý nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất. 

Thứ năm và thứ sáu, liên quan đến việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020, việc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, TPHCM kiến nghị Thủ tướng và các bộ ngành ủng hộ chủ trương, sớm thẩm định trình Chính phủ, Quốc hội. 

Thứ bảy, trong lĩnh vực y tế, TPHCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội nghiên cứu, ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh trong đó kết cấu đầy đủ các yếu tố chi phí. Đồng thời kiến nghị chấp thuận cho thành phố triển khai thí điểm mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế cho trạm y tế đối với 40 loại thuốc nhằm đáp ứng cung ứng thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế phường, xã, thị trấn.

Thứ tám, TPHCM kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng cho phép TPHCM được áp dụng cơ chế đặc thù để thực hiện dự án văn hóa và thể thao theo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Thứ chín, Chính phủ, Thủ tướng sớm xem xét, cho chủ trương và báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trên địa bàn TPHCM.

Hỗ trợ, thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Đồng chí Phan Văn Mãi cũng nêu kiến nghị liên quan đến một số dự án cụ thể.

Với dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), TPHCM kiến nghị các bộ hỗ trợ TPHCM hoàn tất thủ tục, trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Đồng thời Bộ GTVT sớm chủ trì soạn thảo, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn về thiết kế đường sắt đô thị khổ đường 1.435mm, thi công và nghiệm thu đường sắt đô thị, khai thác đường sắt đô thị… làm cơ sở triển khai, đẩy nhanh quá trình làm chủ công nghệ đường sắt đô thị.

TPHCM cũng kiến nghị về dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành – Tham Lương), dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài; dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương – Bến Cát (CRUS1) và dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn (CRUS2).

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc, gỡ khó cho TPHCM về giải ngân vốn đầu tư công ảnh 6 Với dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), TPHCM kiến nghị các bộ hỗ trợ TPHCM hoàn tất thủ tục, trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện dự án

Với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, TPHCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH-ĐT tham mưu giao bổ sung gần 19.500 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho TPHCM (ngoài nguồn vốn 142.557 tỷ đồng đã giao) để bổ sung cho dự án.

Với dự án đầu tư xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa, kết nối nhà ga T3, kiến nghị Bộ Quốc phòng sớm bàn giao đất quốc phòng cho TPHCM thực hiện dự án. Trong đó, xem xét bàn giao ngay phần diện tích khoảng 4,5ha đất trống không có tài sản trên đất cho Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam. 

Đặc biệt, với 3 bệnh viện cửa ngõ TPHCM, quy mô 1.000 giường gồm Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động năm 2025. TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương (nguồn vốn trong nước) giai đoạn 2021-2025 để đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế chuyên môn của 3 bệnh viện này, với tổng nhu cầu là 4.500 tỷ đồng

Tin cùng chuyên mục