Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh công tác thanh tra doanh nghiệp

Ngày mai 17-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp”
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp”

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và giải quyết trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; giải quyết việc chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương có liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về việc vẫn còn có quá nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trong cùng một năm. Điều này nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước rà soát để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm toán; không để xảy ra sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý II-2017.

Ngày mai 17-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Khoảng 2.000 đại biểu sẽ trực tiếp tham dự hội nghị, gấp 4 lần năm ngoái, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, cùng khoảng 200 đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, cùng đại diện các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí…

Tham dự hội nghị qua hình thức trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50 - 100 người mỗi điểm cầu. Dự kiến, tổng cộng khoảng gần 10.000 đại biểu sẽ dự hội nghị.

Dự kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT sẽ báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ báo cáo tổng hợp đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về việc thực hiện Nghị quyết này.

Các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp hiến kế, kiến nghị; các bộ ngành, địa phương trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị.

Thủ tướng Chính phủ sẽ kết luận và sau hội nghị, Thủ tướng sẽ có Chỉ thị về đồng hành cùng doanh nghiệp.

Đặc biệt, ngay sau hội nghị, trong cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các bộ ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp.

Đây là lần thứ 2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Tin cùng chuyên mục