Đã 83 tuổi, vị nữ tình báo Phan Thị Báu vẫn rất sáng suốt, sắc sảo, minh mẫn. Trong ký ức bà những ngày cuối tháng 4 năm 1975 sống dậy sôi động, rực rỡ: “Đội chúng tôi được Khu ủy giao ba nhiệm vụ trong chiến dịch giải phóng Cần Thơ - “thủ đô” miền Tây: Gọi hàng Nguyễn Khoa Nam - viên tướng Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật; xây dựng chỗ nơi ăn ở cho ban chỉ huy; may cờ làm hiệu lệnh cho bộ đội tiến vào thành phố”.
Nguyễn Khoa Nam là một tướng lĩnh quân đội Sài Gòn sống độc thân, thuộc dòng dõi quan lại triều đình Huế, theo đạo Di đà, chống cộng điên cuồng - một chuyên viên bình định nổi tiếng của địch. Dinh Tư lệnh là một công thự kiên cố trong nội thành. Ngoài sự bảo vệ dày đặc của lực lượng cảnh sát và quân đội, Khoa Nam còn có một đội bảo vệ riêng gồm 38 tên lính chuyên nghiệp tin cẩn do ông ta đích thân tuyển lựa. Việc lọt vào dinh hoạt động là một công việc vô cùng nguy hiểm.
Bà Phan Thị Báu nhận nhiệm vụ nặng nề này khi vừa điều trị vết thương, hai chân bước còn chưa vững. Hàng ngày bà mặc áo nâu sòng, gánh hoa đi hết chùa này tới miễu khác bán kiếm lời. Nhưng đó là những chuyến đi bà móc nối cơ sở, xây dựng lực lượng. Với nghề đỡ đẻ, bà đã xâm nhập được nhiều những tên chúa ấp, xã trưởng, nắm nhiều cơ sở. Bà có được Cúc Phương, con gái của bà chủ khách sạn Khải Hoàn, sinh viên đại học luật, làm giao liên, chuyển tin tức bà thu thập được về khu. Bà có được cơ sở nội tuyến Thế Vũ, người thân cận của tướng Nguyễn Khoa Nam, được ông ta tin cậy vì có tài thiết kế bàn thờ Phật rất đẹp. Những tin tức trong hang ổ dinh tướng Tư lệnh Vùng 4 liên tiếp được chuyển ra Khu ủy.
Nhận chỉ thị của Khu ủy “Phải thuyết phục cho bằng được Nguyễn Khoa Nam đầu hàng. Nếu không được thì tiêu diệt”, lòng bà Phan Thị Báu cũng đầy giằng xé. Một mặt, bà viết lá thư thuyết phục Nguyễn Khoa Nam đầu hàng, nhờ nội tuyến chuyển đến thư ký riêng cho ông ta. Một mặt bà viết lá thư tuyệt mệnh, hy vọng đến được với chồng con, nếu không may mắn trở về. Bà đã viết vào lúc 12 giờ đêm 29-4-1975: “…Mình ơi, tôi vợ mình, mẹ của các con, không bao giờ tôi muốn xa mình và các con một giờ một phút nào đâu. Tôi ước mơ vợ chồng mình có được một cái nhà nho nhỏ. Vợ chồng mình và các con ở trong một nhà, ăn chung với nhau một bữa cơm thì vui sướng biết chừng nào phải không mình…
Mình ơi! Sau trận này tôi có bề nào, mình đừng buồn, vui lòng ở lại gánh vác thêm nhiệm vụ cho tôi và tập hợp các con về, mình cố gắng nuôi dạy cho con khôn lớn nghe mình. Các con ơi, bây giờ đã ba giờ sáng, mẹ ra khỏi phòng bí mật, mẹ tiếp tục chiến đấu với kẻ thù.
Sau bao nhiêu năm mẹ vừa làm nhiệm vụ công tác, vừa lao động, nhịn ăn chắt mót dành dụm được một ít nữ trang, mẹ gửi cho cha các con ba sợi dây chuyền, một đôi bông tai, một cái đồng hồ Ra-đô, khi các con về với cha, lớn lên chia nhau đồ kỷ niệm đó của mẹ…”.
Viết xong, bà ra đi. Thế Vũ bị giữ chặt trong nhà máy phát điện riêng trong dinh Nguyễn Khoa Nam. Bà đã chuẩn bị sẵn cờ trong người, giả ói mửa, chôn cờ dưới một ổ chuột. Bà men theo đường cống, vào tận chỗ Thế Vũ làm việc. Người sĩ quan nội tuyến kinh ngạc khi phát hiện ra bà, mình mẩy lem luốc và hôi thúi vì nước cống rãnh. Anh giấu bà trong một chỗ kín. Bà hỏi Thế Vũ: “Lá thư tôi thuyết phục Nguyễn Khoa Nam ra sao?”. Thế Vũ buồn bã nói: “Ông ta xé nát lá thư, rải trắng trước bàn thờ Phật”.
Tin tức Sài Gòn giải phóng bay về Cần Thơ, tướng Nguyễn Khoa Nam biết không thể nào thay đổi được thế cuộc và khi tên thư ký thân cận đưa vợ con trốn đi trên chiếc máy bay trực thăng, ông ta rơi vào tận cùng sự tuyệt vọng. Đêm 30-4 rạng sáng 1-5-1975, Nguyễn Khoa Nam ngồi trên chiếc ghế bành, trước bàn thờ Phật, rút súng ngắn tự sát. Bà Phan Thị Báu cùng Thế Vũ có mặt tại hiện trường ngay lúc ấy. Chính bà đã rút khẩu súng từ người tướng Nguyễn Khoa Nam… Máu của ông ta loang ra, ướt đẫm những mảnh vụn lá thư của bà Phan Thị Báu thuyết phục ông ta đầu hàng.
Còn lá thư tuyệt mệnh của bà gửi cho chồng con trước lúc bước vào hang ổ kẻ thù được Cúc Phương gói lại, ngụy trang trong tim cây đèn cầy. Tất cả được giấu trong bó nhang đèn, hoa quả đi cúng chùa. Giao liên đã mang lá thư ấy ra cho Khu ủy, đang đóng ở vùng ven thành phố. Ngày hòa bình, bà được Năm Cúc, người chỉ huy đường dây tình báo của bà, trao lại. Lá thư ấy được gia đình bà xem như báu vật, được trân trọng cất giữ, bất chấp cát bụi thời gian.
TRẦM HƯƠNG