Thư viện công cộng - Thay đổi để hấp dẫn

Lượt bạn đọc đến với hệ thống thư viện công cộng ở các quận huyện đang ngày một giảm là thực tế đáng báo động. Vì sao hệ thống thư viện vốn được xem là chỗ dựa cho việc phát triển văn hóa đọc lại trở nên thiếu hấp dẫn đối với bạn đọc như thế?
Thư viện công cộng - Thay đổi để hấp dẫn

Lượt bạn đọc đến với hệ thống thư viện công cộng ở các quận huyện đang ngày một giảm là thực tế đáng báo động. Vì sao hệ thống thư viện vốn được xem là chỗ dựa cho việc phát triển văn hóa đọc lại trở nên thiếu hấp dẫn đối với bạn đọc như thế?

        3 tháng 10 cuốn sách

Ở một thư viện, khi chọn thủ thư mới để quản lý thư viện, ban lãnh đạo đã đưa về một cán bộ đang mang bệnh, lại không có chuyên môn nghiệp vụ. Kết quả, thư viện quanh năm hầu như cửa đóng then cài, nếu không có tấm bảng bên ngoài, có lẽ người dân xung quanh còn không biết đó là thư viện cho người dân cả một quận.

Tình trạng trên không phải hiếm, có nơi xem thư viện công cộng như là bộ phận “phụ”, cứ ai rảnh, tiện thì bố trí về đó, chính vì thế nên có nơi thủ thư là nhân viên đánh máy, văn phòng... Do không am hiểu về chuyên môn nên các thủ thư kiểu này chỉ đơn thuần là mở cửa, giữ sách và lấy cho bạn đọc mượn khi có nhu cầu. Chính vì vậy, thời gian hoạt động của thư viện trở nên không phù hợp, thường chỉ mở cửa phục vụ trong giờ hành chính, cũng là thời gian bạn đọc như học sinh, công nhân viên đang ở trường, công sở. Đến ngày nghỉ, bạn đọc muốn đến thư viện đọc sách thì thư viện lại đóng cửa.

Giao lưu giữa bạn đọc nhỏ tuổi với người nổi tiếng tại Thư viện thiếu nhi của Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM.

Giao lưu giữa bạn đọc nhỏ tuổi với người nổi tiếng tại Thư viện thiếu nhi của Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM.

Nhân sự là vậy, kinh phí cấp cho thư viện cũng rất ít ỏi, thấp nhất khoảng 20 triệu đồng/năm, sau khi trừ đi các khoản chi phí khác, có nơi vài ba tháng chỉ trích ra được 1 triệu đồng, đủ mua khoảng 10 cuốn sách theo giá thị trường hiện nay. Một số thư viện khác, kinh phí khá hơn, tầm 40 - 50 triệu đồng/năm cũng chỉ tạm đủ chi trả hoạt động cơ bản. Cao nhất hiện nay là 80 triệu đồng/năm mới được coi là có hoạt động hiệu quả. Với mức kinh phí như trên, không có gì lạ khi đa phần thư viện quận huyện chỉ như một phòng đọc sách, chỗ ngồi dành cho bạn đọc chưa đủ tiêu chuẩn nào để xếp hạng, tài liệu phục vụ đơn thuần là sách báo, không có vị trí riêng biệt mà chung với các hoạt động khác nên ồn ào vì nhiều hoạt động diễn ra cùng một lúc trong khi thư viện cần sự thoáng mát, yên tĩnh…

        Sức hấp dẫn của thư viện công cộng

Theo bà Hà Kim Dung, Trưởng mạng lưới thư viện công cộng tại TPHCM, có thể thấy được một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thờ ơ của bạn đọc đến thư viện xuất phát từ món ăn tinh thần không được hấp dẫn, sự đầu tư về cơ sở vật chất yếu kém không tạo sức hấp dẫn cho mọi người, nhất là thiếu nhi - một đối tượng bạn đọc được hướng tới để xây dựng thế hệ đọc trong tương lai.

Trong một chuyến khảo sát tại thư viện Trung Quốc, ông Bùi Xuân Đức, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM, phát hiện một chi tiết khá độc đáo: Các chậu cây cảnh nhỏ do bạn đọc tự trồng. Đem kinh nghiệm này về nước, tại khu vực thư viện thiếu nhi, ông tổ chức khuyến khích các bạn đọc nhỏ tuổi đến đọc sách nhân tiện tranh thủ trồng cây. Mỗi bé một cây, trồng trong chậu nhỏ có nhãn đề tên từng em, sau đó tổ chức cuộc thi xem cây nào lớn nhanh, cây nào ra hoa đẹp… Cuộc thi đem đến cho các em một thú vui mới, giúp các em nhỏ nhiệt tình hơn trong việc đến thư viện, rồi sau những phút chăm sóc cây các em lại đến với sách, lâu dần tạo thành thói quen đọc sách.

Không chỉ trồng cây, để hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi, phòng đọc cho thiếu nhi như ở Thư viện Khoa học tổng hợp còn bố trí chỗ nằm, ngồi bệt thay cho các ghế bàn của người lớn. Thư viện còn thường xuyên tổ chức các hoạt động kể chuyện theo sách, dạy vẽ tranh, tổ chức gameshow nhỏ dựa trên các cuốn sách các em đã đọc… Chính từ các hoạt động hấp dẫn đó đã khiến các em mong muốn được đến thư viện.

        Thay đổi từ sự đam mê

Có một thực tế là những thư viện yếu kém đều gắn liền với sự thờ ơ của những người có trách nhiệm và ngược lại ở các thư viện được đánh giá tốt trong địa bàn TP như quận 2, 3, 4, 5, 6, 12, Tân Bình, Bình Thạnh; huyện Củ Chi, Bình Chánh… cán bộ thủ thư đều có thâm niên trong nghề, có kinh nghiệm, có chuyên môn cao (cử nhân, cao học chuyên ngành…). Kinh phí hạn hẹp nên các cán bộ này nghĩ ra đủ mọi cách để đem lại sự hấp dẫn cho thư viện như bạn đọc không đến được thì họ xây dựng những túi sách, thùng sách lưu động đem đến trường học, nhà máy, công xưởng, doanh trại bộ đội biên phòng, khu nhà trọ công nhân, các phòng đọc sách xã nông thôn mới…

Nếu ở các thư viện khác, tủ sách pháp luật thường chỉ bày vài chục cuốn sách pháp luật chẳng mấy khi có người để ý thì họ lại chủ động tìm hiểu xem bạn đọc cần gì về thông tin pháp luật, từ đó lựa chọn, đóng thành tập những thông tin hữu ích, thậm chí dán các thông tin cập nhật về pháp luật trong thư viện. Từ đó sẽ tạo tâm lý đến thư viện để tham khảo thông tin cần thiết, rồi thói quen đọc sách, mượn sách tại thư viện…

Văn hóa đọc nhờ vậy cũng phát triển hơn. Có nơi như thư viện quận 6 còn xây dựng cả trang web riêng, liên tục tổ chức các hoạt động như trưng bày sách theo chủ đề, thi vẽ tranh, kể chuyện theo sách… Chính vì thế đã thu hút khá nhiều bạn đọc, sắp tới thư viện còn dự kiến mở thêm cơ sở tại công viên Bình Phú nhằm phục vụ người dân khi đến đây vui chơi, giải trí.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục