"Đến rồi! Đến rồi”, những đứa bé ở Mekelle, Đông Bắc Ethiopia, háo hức gọi nhau khi vừa trông thấy hai chú lừa kéo một quầy sách lớn chầm chậm tiến vào thị trấn. Các em chạy vội đến, lựa chọn cho mình những cuốn sách yêu thích, trong đó có sách học, truyện cổ tích, truyện tranh trong quầy sách rực rỡ sắc màu và được xếp rất gọn gàng.
Một chiếc xe lừa kéo là chuyện bình thường ở đây, song một chiếc xe lừa mang theo những điều tuyệt diệu kể về những mảnh đất xa xôi mới là điều khác lạ. Khi đi, những chú lừa kéo một quầy sách nặng trĩu, nhưng khi về quầy sách đã vơi đi gần hết vì sách đã đến tay những em học sinh nghèo.
Ông Yohannes Gebregiorgis, người có sáng kiến đưa thư viện đến bọn trẻ cho biết: “Tôi muốn những đứa trẻ nghèo ở đây được hiểu biết rộng hơn về cuộc sống mà chúng đang sống. Nếu đọc sách, chúng sẽ có những ước muốn được đi xa”.
Yohannes, người sáng lập Quỹ Giáo dục và Sách cho thiếu nhi Ethiopia (EBCEF) đã được công nhận là công dân Mỹ sau thời gian học tập và làm việc tại đây. Nhưng ông đã từ bỏ cuộc sống bình yên với vai trò là một người thủ thư ở San Francisco, Mỹ, để trở về Ethiopia vì trăn trở trước tình trạng rất nhiều trẻ em ở Ethiopia, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, chưa từng được đọc sách vì chúng không có sách để đọc, trình độ dân trí tại quê nhà vẫn rất thấp.
Tỷ lệ biết chữ tại Ethiopia không cao, thống kê của UNICEF cho biết, chỉ có 62% nam thanh niên từ 15 đến 24 tuổi biết đọc, ở nữ thanh niên tỷ lệ này là 39%. Được sự trợ giúp về tài chính từ một người bạn Mỹ, “Thư viện di động bằng xe lừa kéo”, tên gọi của một trong những dự án của EBCEF đã được hình thành. Hình ảnh những chú lừa kéo quầy sách bắt đầu trở nên phổ biến tại các vùng nông thôn nghèo ở Ethiopia từ những năm 2000.
Thư viện sách di động bằng lừa của Yohannes không chỉ thu hút được những đứa trẻ mà rất nhiều người lớn cũng đến xem. Người ta vẫn thường thấy, các ông bố, bà mẹ dắt con mình đến đây để cùng nghe đọc sách, để được biết về một thế giới bên trong những trang sách, một thế giới mà họ và con của mình chưa từng được biết trước đó.
Không chỉ tự mình mang sách đến cho những đứa trẻ, Yohannes còn xây dựng một nhà xuất bản riêng vào năm 2002 để in những cuốn sách bằng tiếng địa phương là Tigrigna để bọn trẻ có thể tự đọc được. Ông cũng đã tự sáng tác những câu chuyện thiếu nhi cũng bằng tiếng địa phương với mong muốn các em có thêm nhiều đầu sách để chọn lựa.
Chính nhờ những nỗ lực mang lại văn hóa đọc cho hàng trăm ngàn trẻ em những vùng nông thôn ở Ethiopia, Yohannes đã được kênh truyền hình Mỹ CNN trao tặng giải thưởng Anh hùng năm 2008. Niềm mơ ước lớn nhất của Yohannes hiện nay là thư viện bằng xe lừa kéo của ông có thể đi đến thêm nhiều vùng đất khác nhau ở Ethiopia. Khi đó, hàng triệu trẻ em nghèo sẽ có cơ hội được đọc sách không mất tiền
THANH HẰNG