Thừa Thiên – Huế cam kết khuyến khích và thúc đẩy khởi nghiệp

Thừa Thiên – Huế cam kết khuyến khích và thúc đẩy khởi nghiệp

(SGGPO). - Ngày 16-11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Cao và lãnh đạo các sở ban ngành trên địa bàn tỉnh này đã có buổi đối thoại trực tuyến với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển”.

Buổi đối thoại đã thu hút trên 1.000 lượt theo dõi của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với hàng trăm câu hỏi được đưa ra. Trong đó, nhiều câu hỏi tập tập trung vào những nội dung liên quan đến vấn đề về cơ chế, chính sách, giải pháp để đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là dự án đầu tư FDI vào các khu kinh tế, khu công nghiệp; những dự án thuộc diện phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Giải pháp khắc phục để nâng cao chỉ số PCI của tỉnh; giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh nhỏ về dịch vụ du lịch do ảnh hưởng sự cố môi trường biển và diễn biến phức tạp của dịch bệnh zika… Tất cả đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cùng lãnh đạo các sở ban ngành tỉnh này trực tiếp trả lời một cách thẳng thắn trên tinh thần cầu thị, đầy trách nhiệm. Qua đó, góp phần  tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đang tìm hiểu đầu tư hoặc đã đầu tư vào Thừa Thiên – Huế.

 UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có buổi đối thoại trực tuyến với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp

Cũng tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, năm 2016 được địa phương xác định là "Năm doanh nghiệp" nên lãnh đạo tỉnh đã có nhiều chương trình, kế hoạch và các giải pháp để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích và thúc đẩy khởi nghiệp. Đồng thời tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư và kinh doanh tại tỉnh nhà. Kết quả là nền kinh tế của địa phương đã có mức tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp, về khởi nghiệp, về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đã có những kết quả nhất định. Song việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa thực sự đem lại nhiều hiệu quả như kỳ vọng. Bên cạnh đó, giữa năm 2016, Thừa Thiên - Huế phải đối mặt với sự cố môi trường biển đã làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân, nhất là đối với hoạt động du lịch biển và đánh bắt hải sản. Việc tổ chức buổi đổi thoại trực tuyến lần nay nhằm kịp thời giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của tỉnh, thủ tục hành chính, chính sách thuế, hải quan, những bất cập trong hoạt động sản xuất kinh doanh... cũng như tiếp thu ý kiến phản ảnh về hành vi, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính nhà nước đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong thực thi công vụ.

Kết thúc buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cam kết sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tập trung đơn giản hóa, giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực; nâng cao chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; đổi mới lề lối làm việc; thường xuyên gắn kết, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý với cộng đồng doanh nghiệp để có thể tháo gỡ kịp thời mọi vướng mắc. Bên cạnh đó, Thừa Thiên – Huế cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp phong trào khởi nghiệp tại tỉnh này ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

        VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục