Thừa Thiên - Huế: Cao su “chìm” trong hồ thủy điện chưa được đền bù

Năm 2010, khi công trình thủy điện Hương Điền tích nước trên sông Bồ đã làm ngập chìm hàng loạt cao su và rừng trồng của người dân xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Vậy nhưng, sau gần 3 năm, người dân bị thiệt hại vẫn chưa được đền bù, khiến nhiều người rơi vào cảnh khó khăn, kiệt quệ.

Năm 2010, khi công trình thủy điện Hương Điền tích nước trên sông Bồ đã làm ngập chìm hàng loạt cao su và rừng trồng của người dân xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Vậy nhưng, sau gần 3 năm, người dân bị thiệt hại vẫn chưa được đền bù, khiến nhiều người rơi vào cảnh khó khăn, kiệt quệ.

Phong Sơn là một xã nghèo nằm ở vùng đồi của huyện Phong Điền, người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và trồng rừng. Để phát triển kinh tế, đầu năm 2006 người dân xã Phong Sơn bắt đầu triển khai trồng cao su trên diện tích 245ha tại tiểu khu 79-80, theo dự án Đa dạng hóa nông nghiệp. Tuy nhiên, đầu năm 2010, khi thủy điện Hương Điền trên sông Bồ tích nước để phát điện, nhiều diện tích cao su và rừng trồng của dân bị ngập và chết.

Ông Trương Tuyển, một người dân trồng cao su ở xã Phong Sơn cho biết: “Từ năm 2006 gia đình tôi bắt đầu trồng 1,7ha cao su, khi cây cao su được 4 năm tuổi thì thủy điện Hương Điền tích nước làm ngập gần hết diện tích. Tôi thuộc diện ưu tiên xóa đói giảm nghèo mới được trồng cao su theo dự án. Khi thủy điện đóng đập tích nước tháng 1-2010, toàn bộ cao su bị ngập. Bao nhiêu tài sản và công sức bỏ ra giờ không còn gì hết, giờ trắng tay luôn”.

Còn hộ ông Hồ Đức Năm trồng hơn 3,1ha cao su thì có 2ha ngập nước. Để đầu tư mỗi ha cao su ngoài vay tiền dự án tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 25 triệu đồng, gia đình phải vay mượn thêm để thuê nhân công chăm sóc, phân bón. Bây giờ, ông Năm không biết lấy tiền đâu để trả nợ ngân hàng.

Ông Nguyễn Bá Nam, Phó Chủ tịch xã Phong Sơn, cho biết: Đến nay, sau 3 năm thủy điện Hương Điền tích nước gây hư hại 88ha cao su và rừng của 88 hộ dân nhưng họ vẫn chưa đền bù khiến dân rơi vào cảnh khó khăn, bởi tiền lãi ngân hàng phải trả, trong lúc đất sản xuất thì không có.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đại Vui, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho rằng: Trong quá trình triển khai xây dựng và tích nước lòng hồ, Ban quản lý Dự án thủy điện Hương Điền và các đơn vị liên quan đã không thực hiện việc kiểm tra kết quả đo đạt bản đồ lòng hồ của Trung tâm Kỹ thuật, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế dẫn đến chồng lấn trên diện tích trồng cao su của dân. Khi bàn giao lòng hồ, các đơn vị đã cắm mốc quá ít so với tính phức tạp của bản đồ, không kiểm soát hết diện tích đất lòng hồ trước và sau khi bàn giao.

Đầu năm 2006 người dân bắt đầu trồng cao su và trồng rừng theo dự án Đa dạng hóa nông nghiệp. Nhưng đến năm 2008, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mới có quyết định thu hồi đất giao cho thủy điện, vì vậy Công ty Thủy điện Hương Điền phải đền bù cho dân. Thế nhưng, khi xảy ra sự việc ngập công ty trên không đền bù kịp thời.

Hiện UBND huyện Phong Điền đang thành lập đoàn kiểm tra để có hướng khoanh nợ cho dân có cao su bị ngập; đồng thời yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền và những đơn vị liên quan có trách nhiệm đưa ra những phương án bồi thường, hỗ trợ để bà con yên tâm phát triển sản xuất, tránh tình trạng nhiều hộ dân của xã Phong Sơn rơi vào cảnh nợ nần và tái nghèo.

Phan Lê

Tin cùng chuyên mục