Thừa Thiên – Huế: Đạp lũ giữ đê sông Bồ

Thừa Thiên – Huế: Đạp lũ giữ đê sông Bồ

  (SGGPO). - Đến sáng 17-11, hàng ngàn ngôi nhà ở Thừa Thiên – Huế vẫn chìm sâu trong lũ. Người dân nỗ lực cùng bộ đội, công an đóng cọc tre làm kè rồi chèn bao tải cát gia cố, giữ  đê sông Bồ trong lũ dữ.   Địa hình thấp trũng lại nằm cuối nguồn sông Bồ nên lũ từ thượng nguồn ập về khiến cả huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế như một túi nước khổng lồ chới với bên phá Tam Giang.

Hàng ngàn ngôi nhà ở đây bị ngập sâu từ 1 - 1,5m nước. Tỉnh lộ 4b, đường Nguyễn Chí Thanh từ trung tâm huyện dẫn về các xã ven phá Tam Giang như Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thành ngập sâu trong lũ từ 0,5 - 1m. Các tuyến đường liên xã, liên thôn xóm bị nước lũ cô lập, người dân đi lại bằng ghe. Đặc biệt, tuyến đê Bác Vọng - Nam Phù và Niêm Phò - Gio Lâm dài khoảng 2km ngăn lũ sông Bồ vỡ thành nhiều đoạn trong đợt lũ bão Haiyan đầu tuần qua vừa hàn khẩu nay tiếp tục sạt lở nặng, uy hiếm tính mạng hơn một ngàn hộ dân có nhà cửa phía trong chân đê. 

Ông Trương Vang, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền cho biết, lũ sông Bồ tối 15-11 dâng cao tràn qua mặt đê đã cuốn văng hàng ngàn bao tải cát vừa được gia cố. Địa phương lại phải huy động hơn 500 thanh niên trai tráng đội mưa, ngâm mình trong lũ dữ cùng lực lượng công an và quân đội do huyện điều về tiến hành đóng cọc tre làm kè rồi chèn bao tải cát gia cố những điểm sạt lở trên tuyến đê này. Trước mắt, hơn 100 hộ dân nhà cửa ven đê đã được địa phương chuyển đến nơi cao ráo trú ẩn an toàn, số còn lại căn cứ vào mực lũ sông Bồ để tiếp tục di dời.

Gia cố giữ đê Bác Vọng trong lũ dữ
Gia cố giữ đê Bác Vọng trong lũ dữ


Sáng 17-11, nhiều tuyến đường tại TP Huế và các tuyến tỉnh lộ 2, 8, 10, 11… vẫn còn cục bộ sâu 0,2 - 1m nước. Ông Hồ Đăng Vang, Phó trưởng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, toàn tỉnh có 11.141 nhà bị ngập lụt. Quốc lộ 1A đoạn từ xã Lộc Bổn đến xã Lộc Tiến thuộc huyện Phú Lộc dài khoảng 7km, ngập sâu từ 0,3-0,7m. Công an tỉnh bố trí lực lượng tại 26 chốt, điều hòa giao thông, hướng dẫn hơn 300 xe ô tô né tránh những điểm ngập sâu trên quốc lộ 1A. 5 điểm sạt lở đất đá từ đèo Phước Tượng xuống mặt đường, lực lượng cảnh sát giao thông đã có mặt để điều tiết các phương tiện và đặt các biển cảnh báo đợi đơn vị quản lý giao thông đường bộ đưa phương tiện đến giải phóng các điểm sạt lở trên, đảm bảo thông suốt tuyền quốc lộ 1A. Nhà máy thủy điện Hương Điền, Bình Điền và A Lưới tiếp tục vận hành điều tiết xả lũ để đảm bảo an toàn cho công trình và an toàn cho vùng hạ du. 

Chỉ đạo công tác đối phó ngập lụt ở huyện Phú Lộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu lưu ý, thời tiết đang diễn biến phức tạp, các địa phương, cơ quan đơn vị cần tăng cường kiểm tra, nhất là ở vùng ven sông có nguy cơ ngập lụt và sạt lở phải di dời người dân đến nơi an toàn. Lực lượng công an và ngành giao thông vận tải túc trực 24h/24 giờ tại những điểm xung yếu để phân luồng, giải quyết những điểm bị sạt lở, tránh xảy ra tắc giao thông trên quốc lộ 1A. Sáng nay, 17-11, dù UBND huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) đã huy động toàn bộ lực lượng tại chỗ để khẩn trương tìm kiếm 2 hai nạn nhân bị vùi lấp do sạt lở đất nhưng vẫn chưa tìm thấy. Ông Lê Văn Tùng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết khối lượng đất đá lớn, cộng với cây cối che khuất tầm nhìn và thực hiện hoàn toàn bằng tay, nên việc tìm kiếm diễn ra hết sức khó khăn.
 

Các trục đường liên xã tại huyện Quảng Điền bị lũ nhấn chìm
Các trục đường liên xã tại huyện Quảng Điền bị lũ nhấn chìm
Vụ việc xảy ra lúc 19 giờ ngày 15-11, do mưa lớn liên tục, hơn 10.000 m3 đất đá phía ta luy dương tuyến đường Trường Sơn Đông đoạn qua trung tâm huyện Sơn Tây đã đổ ập xuống cuốn trôi hoàn toàn 1 ngôi nhà và 2 vợ chồng anh Đinh Văn Lang và chị Đinh Thị Hiếp ở  thôn Gò Lã – xã Sơn Dung.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Ngãi lúc 6 giờ sáng 17-11, thống kê cho thấy có 9 xã của huyện Nghĩa Hành, 5 xã huyện Tư Nghĩa, 6 xã huyện Mộ Đức, 2 phường thành phố Quảng Ngãi, 9 xã thị trấn huyện Sơn Tịnh, 4 xã huyện Bình Sơn và 4 xã huyện Đức phổ bị ngập sâu, chai cắt và cô lập. Toàn tỉnh di dời, sơ tán được 16.405 hộ với 66.961 nhân khẩu. Có 117 hồ thủy lợi, 4 hồ chứa nước có dung tích trữ hồ hơn 3 triệu m3 và đập có chiều cao hơn 15m (gồm: HCN Liệt Sơn, Diên Trường, Di Lăng, Núi Ngang); số hồ chứa còn lại có dung tích dưới 3,0 triệu m3, hiện 100% hồ chứa nước đều qua tràn. Bên cạnh đó, Quảng Ngãi có 3 công trình thủy điện đều qua tràn tự do và xả lũ, thủy điện Hà Nang, Đakđrinh và Nước Trong.

Quảng Ngãi cũng đã có 8 người chết (huyện Nghĩa Hành: 3 người; Sơn Tịnh: 1 người; Tư Nghĩa: 2 người; TP.Quảng Ngãi: 2 người); 4 người mất tích (Sơn Tây: 2 người; Nghĩa Hành: 1 người; Bình Sơn: 1 người); 15 người bị thương; 32 nhà bị sập, 82 nhà tốc mái, hư hỏng...  Ngoài ra thiệt hại về các công trình cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, điện, viễn thông tại các huyện Nghĩa Hành, Sơn Tây, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh bị hư hỏng nặng ở hầu hết các huyện nhưng nước ngập còn sâu, nhiều vùng còn bị chia cắt nên chưa có số liệu thống kê, báo cáo. Trong ngày 17-11, công tác cứu hộ cứu trợ sẽ được Quảng Ngãi triển khai đồng bộ ở các địa phương nơi nước lũ đã cơ bản rút hết để hỗ trợ người dân không bị đói và rét.
Văn Thắng – Công Cường - Hà Minh
 

Tin cùng chuyên mục