Thua thiệt vì thiếu hiểu biết pháp luật

Nghĩ mình làm việc tại công ty tư nhân nên không cần ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), hay ký HĐLĐ nhưng không đọc kỹ nội dung, chỉ cần biết lương tháng được bao nhiêu, còn thời gian làm việc ra sao, thậm chí chủ có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp cho mình hay không cũng không biết.
Thua thiệt vì thiếu hiểu biết pháp luật

Nghĩ mình làm việc tại công ty tư nhân nên không cần ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), hay ký HĐLĐ nhưng không đọc kỹ nội dung, chỉ cần biết lương tháng được bao nhiêu, còn thời gian làm việc ra sao, thậm chí chủ có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp cho mình hay không cũng không biết.

Thiếu hiểu biết về pháp luật nên phải chịu phần thiệt thòi cho bản thân chính là thực trạng chung của nhiều công nhân, người lao động đang làm việc tại một số công ty, đơn vị trên địa bàn TPHCM.

Chấp nhận chịu thiệt

Chị Nguyễn Thị Thư (22 tuổi, quê Trà Vinh) là công nhân may tại một công ty tư nhân nằm trên địa bàn quận 12 (TPHCM) đã gần 2 năm. Hàng tháng chị vẫn nhận mức lương hơn 4 triệu đồng từ chủ vào ngày cuối tháng. Thời gian làm việc của chị từ 7 giờ 30 đến 17 giờ chiều. Buổi trưa được nghỉ 1 tiếng và chủ bao cơm. Mỗi tuần, chị và những công nhân làm việc tại công ty được nghỉ làm ngày chủ nhật.

Đó là tất cả những gì được thỏa thuận miệng giữa chủ công ty và chị Thư trong ngày đầu tiên chị đến xin việc. Và trong suốt thời gian làm việc tại công ty, chị cứ áp dụng thỏa thuận này để làm việc và nhận lương. Tuyệt nhiên chị Thư không biết đến HĐLĐ hay các chế độ được đóng BHXH, BHYT.

“Cuối năm chúng em có đứa được thưởng 1 tháng lương, có đứa 1/2 tháng lương. Chủ nói ai làm tốt thì được thưởng nhiều. Mình làm công ăn lương, chủ nói sao mình nghe vậy, chứ đòi hỏi rủi người ta đuổi việc thì biết làm sao. Em ở quê lên, học chưa hết cấp 2, tìm được việc làm để gửi tiền về giúp ba mẹ là quý lắm rồi”, chị Thư cho biết.

Trên thực tế, tại nhiều doanh nghiệp, nhất là công ty tư nhân, người lao động khi được tuyển dụng chỉ được người sử dụng lao động thông báo về mức lương, thời gian làm việc, các nghĩa vụ đối với công ty, chứ ít khi được cung cấp về quyền lợi như BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, mức thưởng… Thậm chí nhiều công nhân còn không biết số ngày nghỉ phép năm mình được hưởng là bao nhiêu. Hàng tháng, người lao động chỉ biết làm đủ ngày giờ, lãnh đúng số lương đã được thông báo.

Người lao động cần chủ động tìm hiểu luật để bảo vệ quyền lợi bản thân

Trong dịp gần Tết Đinh Dậu, công nhân Công ty Molax Vina (công ty may, vốn 100% Đài Loan, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc) tổ chức đình công đòi quyền lợi về tiền nghỉ phép và HĐLĐ. Ban đầu, công nhân chỉ đòi công ty chi trả tiền cho ngày nghỉ phép nhưng phải làm việc. Khi tổ chức công đoàn vào cuộc, được giải thích công nhân mới biết theo luật, do công ty trả lương tính theo ngày nên 1 ngày phép nếu công nhân vẫn đi làm sẽ được trả lương gấp 4 lần.

Nhiều trường hợp làm việc trong môi trường độc hại tại các cơ sở tái chế nhựa, in ấn, công việc nặng nhọc, vất vả nhưng họ không được công ty chăm lo bất cứ chế độ nào ngoài tiền lương hàng tháng.

Cụ thể nội dung tuyên truyền

Theo ông Nguyễn Trung Trực, cán bộ công đoàn quản lý khu vực Khu công nghiệp Tân Bình, Vĩnh Lộc, đa phần công nhân lao động ít đọc kỹ nội dung HĐLĐ nên khi thấy các chế độ của mình bị chèn ép quá mức, người lao động mới bùng phát đình công đòi quyền lợi.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới thục trạng này là công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nhất là Luật Lao động đến công nhân, người lao động còn rất hạn chế.

Luật sư Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (thuộc Liên đoàn Lao động TPHCM), cho biết trung tâm rất khó đến các doanh nghiệp để tư vấn cho công nhân, bởi chủ doanh nghiệp không tạo điều kiện.

Thời gian qua, trung tâm chỉ thực hiện công tác tư vấn cho các trường hợp trực tiếp đến trung tâm (đa phần là rất bức xúc và đã bị đuổi việc), qua điện thoại và mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ công đoàn cơ sở để hỗ trợ lại công nhân. Còn việc tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật cho công nhân tại các khu nhà trọ cũng chưa thực hiện được, bởi rất ít công nhân tham gia.

Đa phần công nhân phải đi làm từ sớm và tan ca trễ. Vào những ngày phải tăng ca, có khi đến 21 giờ công nhân mới về đến phòng trọ. Cuối tuần, công nhân tranh thủ thời gian để ngủ bù, tái tạo sức lao động. Đó là lý do vì sao công nhân không còn thời gian để nghe tuyên truyền pháp luật. Chị Đinh Thị Hiền (quê Sóc Trăng) bày tỏ: “Nếu đó là buổi nói chuyện, tư vấn về những vấn đề sát sườn với quyền lợi của người lao động thì công nhân cũng sẽ sắp xếp thời gian tham dự”.

Trước đây, tại các cụm khu chế xuất - khu công nghiệp có luật sư luân phiên đến phòng tư vấn pháp luật để giải đáp thắc mắc của công nhân. Tuy nhiên, có rất ít công nhân tìm đến nhờ tư vấn. Từ đầu năm 2017, tại đây không có luật sư, mọi thắc mắc của công nhân chỉ có cán bộ công đoàn giải thích. Trên thực tế, cán bộ công đoàn chỉ có thể giải đáp thắc mắc của công nhân trong giới hạn cho phép.

Ông Nguyễn Trung Trực đề xuất nên in trong các tờ rơi những vấn đề trọng tâm, thiết yếu mà người lao động cần biết, liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ khi ký HĐLĐ rồi phát cho công nhân tại các công ty. Khi thấy đây là nội dung liên quan mật thiết với mình, người lao động sẽ tiếp nhận một cách nhanh chóng. Ngoài ra, để giúp người lao động nâng cao kiến thức về pháp luật, nhất là Luật Lao động, đòi hỏi tổ chức công đoàn phải có thêm nhiều cách thức tuyên truyền, tư vấn, nhất là nội dung phải thật dễ hiểu, dễ ghi nhớ. Ngoài trông chờ vào tổ chức công đoàn, người lao động cần chủ động nghiên cứu luật để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục