Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại
Ngày 4-9, tại Cần Thơ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp cùng Bộ NN-PTNT, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo “Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn”. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Đức Cường cùng tham gia chủ trì hội thảo.
Liên kết: Xu thế tất yếu
Thời gian gần đây, thực tiễn sản xuất nông nghiệp sinh động tại ĐBSCL đã bộc lộ nhiều mặt hạn chế lẫn yếu tố tiên phong, đi trước, đòi hỏi phải giải quyết bằng chính sách hợp lý nhằm khai thác tiềm năng quan trọng của vùng đất này. Chính vì thế, từ đầu tháng 6-2013 đến nay, Quốc hội, Chính phủ… đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các địa phương; hội nghị, hội thảo… để bàn cơ chế, chính sách, nhằm thay đổi phương thức sản xuất không còn phù hợp của nền nông nghiệp nước nhà.
Trong phát biểu đề dẫn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã nhắc lại chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về hội thảo này. Đó là sau khi đi thực tế sơ kết Nghị quyết Trung ương 7 ở một số địa phương, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu Ủy ban Kinh tế phối hợp ngay với các bộ, ngành liên quan tổ chức hội thảo nhằm đánh giá xác thực các mô hình tổ chức sản xuất, quản lý, các ý kiến đề xuất, để hoàn thiện chính sách về “tam nông” trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe gợi ý thảo luận đầy tâm huyết và trách nhiệm của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Theo Phó Thủ tướng, việc triển khai Nghị quyết Trung ương 7 đã đạt được nhiều kết quả nhưng chưa có tính bền vững. ĐBSCL là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây nhưng nông dân vẫn không giàu, nguyên nhân vì sao? Phó Thủ tướng đặt 5 câu hỏi cho các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp về liên kết đầu vào đầu ra, bảng phân vai các nhà trong liên kết 4 nhà, liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân; vai trò của thương lái, mô hình tổ chức sản xuất quản lý nào là phù hợp?
Tranh thủ giờ giải lao, ông “tam nông” Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL “trình bày thêm” với Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu về chủ trương liên kết. Theo TS Nguyễn Văn Sánh, mục tiêu đặt ra hiện nay là phải phát triển bền vững các ngành hàng nông nghiệp chủ lực ở ĐBSCL thông qua liên kết vùng với sự tham gia của 4 nhà. Đồng tình với quan điểm này, nhiều đại biểu cho rằng liên kết là yếu tố ưu việt nhất hiện nay trong sản xuất nông nghiệp và đây là xu thế tất yếu cần phải được triển khai mạnh mẽ.
Đi tìm mô hình sản xuất phù hợp
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Doanh, thực tiễn gần đây xuất hiện một số mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp. Nhiều mô hình được xem là xu thế tất yếu và là tương lai của nền nông nghiệp nước nhà. Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” hay “Cánh đồng liên kết”; mô hình chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín; mô hình nông dân góp cổ phần với doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất; mô hình các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới đang hình thành và phát triển mạnh trong thời gian gần đây, đang sản xuất và kinh doanh khá hiệu quả, hỗ trợ tốt cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình xã viên. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Doanh đánh giá: Thực tế việc phát triển và nhân rộng của các mô hình tổ chức sản xuất mới còn rất hạn chế. Cánh đồng mẫu lớn khẳng định được chỗ đứng trong sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL hiện nay, nhưng diện tích áp dụng mô hình này vẫn chưa đến 10% tổng diện tích canh tác lúa trong vùng.
Nhà nông học, GS-TS Võ Tòng Xuân, mang đến hội thảo “Một giải pháp đồng bộ giải thoát cái nghèo của nông dân trồng lúa Việt Nam”. Ông rất tâm đắc với mô hình tổ chức nông dân thành những hợp tác xã, tập đoàn sản xuất hoặc cụm sản xuất lúa nguyên liệu, hoặc một nông sản khác, theo phương thức hiện đại, đạt mọi tiêu chuẩn thị trường cạnh tranh để cung cấp cho doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với giá trị hợp lý. Lăn lộn nhiều với thực tế, ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Công ty Bảo vệ thực vật An Giang khẳng định: “Chúng ta đã trả giá quá đủ cho chuyện làm ăn riêng lẻ, sản xuất nhỏ. Bây giờ phải xác định chỉ có quy mô lớn mới hiện đại hóa được. Để làm được nhất thiết phải liên kết những hộ nông dân lại với nhau, rồi hợp tác với doanh nghiệp cùng sản xuất, đem lại hiệu quả cao hơn.
TS Vũ Trọng Bình, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT, nêu ý kiến, trong ba yếu tố đầu vào cơ bản của sản xuất nông nghiệp (ruộng đất, lao động, vốn) thì ruộng đất vẫn là yếu tố quyết định. Việc quy hoạch tạo vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, quy mô sản xuất nông trại lớn, có chính sách tích tụ ruộng đất, hạ tầng, quản trị nông nghiệp… khác hẳn các vùng sản xuất nông hộ quy mô nhỏ. Có thể bắt đầu bằng các sản phẩm có chuỗi giá trị xuất khẩu mạnh như thủy sản, cà phê, cao su.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục thực hiện, tổ chức sản xuất theo phương thức sản xuất lớn, hiện đại để phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, mô hình này không thể áp dụng máy móc cho tất cả các ngành nghề được, tùy tình hình thực tế. “Tôi thống nhất nguyên tắt tổ chức sản xuất, liên kết phải theo cơ chế thị trường. Làm thế nào để rõ vai trò trách nhiệm, chức năng, nghĩa vụ của từng chủ thể trong mối liên kết “4 nhà”. Sắp tới đây, sơ kết Nghị quyết Trung ương 7, Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội, Trung ương Đảng ban hành các cơ chế chính sách phù hợp nhằm quy hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng, mùa vụ… phù hợp với từng vùng, từng nơi để tiến tới hiện đại hóa sản xuất.
Hôm nay, 5-9, hội thảo sẽ tiếp tục bàn về cơ chế, chính sách cho các mô hình sản xuất, quản lý nông nghiệp
HÀM LUÔNG - BÌNH ĐẠI