Thúc đẩy chuyển đổi số với điện toán đám mây

Sáng nay 22-6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Điện toán đám mây Việt Nam 2017 (Vietnam Cloud Computing Conference) với chủ đề: “Việt Nam và cách mạng 4.0: Thúc đẩy chuyển đổi số với điện toán đám mây”. 
TS Vũ Minh Khương phát biểu tại hội thảo
TS Vũ Minh Khương phát biểu tại hội thảo

Hội nghị do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) tổ chức. 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (còn được gọi là cuộc cách mạng số) đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ trên toàn cầu, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)...

Theo các chuyên gia, đó cũng chính là quá trình chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Trong đó, Cloud Computing đóng vai trò nền tảng khuyến tạo, có tác động lớn đến nhịp độ và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp, các tổ chức…

Qua khảo sát của TS Vũ Minh Khương và khảo sát nhanh của gần 200 đơn vị tham gia sự kiện ngày hôm nay cho thấy chi phí đầu tư không phải là trở ngại, mà rào cản lớn nhất là việc dùng phần mềm không bản quyền còn phổ biến, sự thiếu hiểu biết về lợi ích của Cloud Computing, lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin, và chất lượng dịch vụ Cloud Computing tại Việt Nam chưa thực sự đảm bảo.
Theo TS Vũ Minh Khương (đang giảng dạy tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu) trong các nước ASEAN, Việt Nam là nước có tốc độ tăng chi tiêu cho điện toán đám mây trong giai đoạn 2010-2016 cao nhất (64,4%/năm), cao hơn hẳn mức bình quân của ASEAN (49,5%) và thế giới (42.5%). Tuy nhiên, về con số tuyệt đối, mức chi tiêu cho điện toán đám mây của Việt Nam còn rất thấp (1,7 USD/năm 2016), thấp hơn 107 lần so với Singapore; 6,5 lần so với Malaysia; 2,4 lần so với Thái Lan; và 1,3 lần so với Philippines. Những con số trên phản án thực tế đang có rất nhiều rào cản trong việc thúc đẩy Cloud tại Việt Nam.
Thúc đẩy chuyển đổi số với điện toán đám mây ảnh 1 Mức chi tiêu cho điện toán đám mây của Việt Nam còn rất thấp, chỉ 1,7 USD/năm 2016

Ông Lê Viết Thanh Luận – Phó Tổng Giám đốc Công ty Viễn thông quốc tế FPT (thuộc FPT Telecom) nhận định: Hiện nay, chi phí đầu tư cho dịch vụ Cloud Computing trên thế giới có mức tăng trưởng rất ấn tượng. Đến năm 2020, thị phần hạ tầng Cloud Computing được dự báo sẽ vượt qua cả hạ tầng trung tâm dữ liệu (data center) truyền thống. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Cloud Computing, nhất là ở một thị trường có tốc độ phát triển nhanh như Việt Nam.

Hiện FPT Telecom cũng đã hợp tác với đối tác hàng đầu Nhật Bản-IIJ để cung cấp dịch vụ HI GIO Cloud có tính năng toàn diện đầu tiên tại Việt Nam cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Đây là dịch vụ duy nhất trên thị trường được tích hợp dựa trên công nghệ tiên tiến và quy chuẩn khắt khe nhất, độc quyền của Internet Initiative Japan (IIJ), cùng nền tảng hạ tầng, quản trị, kinh nghiệm thị trường của FPT Telecom.

Cụ thể, thay vì phải đầu tư cho các thiết bị vật lý, với FPT HI GIO Cloud, người dùng có thể khởi tạo máy chủ ảo nhanh chóng, thuận tiện (chỉ trong vòng 5 phút), thay vì mất khoảng từ 6-8 tuần cho việc đặt mua và triển khai hệ thống như hiện nay.

Vấn đề “Thực trạng về ứng dụng Cloud tại các doanh nghiệp, tổ chức và giải pháp” được đưa ra bàn thảo chi tiết tại phiên tọa đàm với sự chủ trì của ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc Công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT, cùng sự tham gia của TS Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT), đại diện cơ quan quản lý nhà nước, cùng các đơn vị cung cấp dịch vụ và ứng dụng Cloud Computing.
Theo các chuyên gia Việt Nam - cũng như các quốc gia ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số - cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng ICT, đặc biệt là kết nối băng thông rộng và ứng dụng điện toán đám mây tới một cấp độ chiến lược trong quy hoạch kinh tế để kích hoạt các nguồn nội lực và đạt được tăng trưởng bền vững. Đồng thời, cần có chính sách ưu tiên cho điện toán đám mây như là một chất xúc tác mạnh, để kích hoạt quá trình chuyển đổi số thông qua ứng dụng dữ liệu lớn và IoT…

Tin cùng chuyên mục