Thúc đẩy dự án để tháo gỡ điểm nóng giao thông

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đang và sẽ tiếp tục thúc đẩy hàng loạt dự án phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông như là một trong những biện pháp khả thi để tháo gỡ các điểm nóng về ùn tắc trên địa bàn.
Thúc đẩy dự án để tháo gỡ điểm nóng giao thông

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đang và sẽ tiếp tục thúc đẩy hàng loạt dự án phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông như là một trong những biện pháp khả thi để tháo gỡ các điểm nóng về ùn tắc trên địa bàn.

Công trình thi công cầu vượt ngã sáu Gò Vấp. Ảnh: CAO THĂNG

Nóng khu vực vành đai

Lãnh đạo Sở GTVT cho biết một trong những giải pháp trọng tâm trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố trong thời gian tới đó là sở sẽ đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông mà tiêu biểu có thể nhắc đến nút giao thông Mỹ Thủy, cầu vượt ngã sáu Gò Vấp, hầm chui An Sương…

Nếu nắm bắt xuyên suốt tình hình giao thông đi lại tại thành phố, người ta sẽ dễ dàng nhận ra toàn bộ các dự án phát triển giao thông nêu trên đều nằm trên các vị trí hiện đang quá tải về mật độ người xe, bởi thế chúng đều có cùng mục đích là tháo gỡ, giải quyết các điểm nóng về giao thông. Dự án nút giao thông Mỹ Thủy nằm trên địa bàn quận 2 là một ví dụ điển hình. Trên thực tế, nút giao thông Mỹ Thủy giữ vai trò quan trọng trong việc thông thương vào ra khu vực cảng Cát Lái trong khi bản thân khu vực cảng này suốt thời gian dài qua được xác định là một điểm nóng, một sự bức bối về giao thông đi lại, đặc biệt trong các giờ cao điểm và không chỉ trong các giờ cao điểm. Muốn giải quyết căn cơ điểm nóng này, cần phải thực hiện đồng thời nhiều biện pháp cũng như cần có thời gian. Một trong những biện pháp được chọn là triển khai dự án nút giao thông Mỹ Thủy. Giai đoạn một của dự án này đã được khởi công từ tháng 6 qua và theo lịch trình sẽ được hoàn tất vào tháng 6-2018. Theo dẫn giải của ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 thuộc Sở GTVT - đơn vị thay mặt sở quản lý địa bàn, giao thông trên đường Đồng Văn Cống sẽ được giảm tải đáng kể nhờ tổ chức lại theo hướng một chiều hóa. Khi đó, các phương tiện giao thông từ phà Cát Lái đến nút giao Mỹ Thủy sẽ theo đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây đổ ra nút giao An Phú để đi vào xa lộ Hà Nội, thay vì phải đi vào đường Đồng Văn Cống. Bấy giờ các phương tiện xe tải sẽ được tổ chức lưu thông một chiều trên đường Đồng Văn Cống, hướng về phía cảng Cát Lái. Trong trường hợp đã hoàn tất kết nối đường Vành đai 2 với xa lộ Hà Nội thì giao thông vào ra khu vực cảng Cát Lái sẽ còn thuận lợi hơn nữa.

Nhưng dự án nút giao Mỹ Thủy sẽ chỉ phát huy tối ưu công năng nếu có sự phát triển đồng bộ của nhiều hạng mục công trình khác. Trong chiều hướng này, có thể nhắc đến dự án nâng cấp đường Vành đai phía Đông, đoạn từ nút giao thông Mỹ Thủy đến đường Vành đai 2 hay dự án cầu Ba Cua và dự án nâng cấp mặt đường Nguyễn Thị Định hiện hữu. Nếu được nâng cấp, đường Vành đai phía Đông đoạn từ nút giao thông Mỹ Thủy đến đường Vành đai 2 sẽ giúp tăng từ 2 lên thành 3 làn xe và có điều kiện để tách làn xe 2 bánh ra khỏi làn ô tô. Dự án nâng cấp này được dự trù khởi công và hoàn thành trong năm 2017. Trong khi đó dự án cầu Ba Cua bắc qua rạch Ba Cua cũng có vai trò quan trọng vì nằm trên tuyến đường Vành đai phía Đông. Dự án nâng cấp mặt đường Nguyễn Thị Định hiện hữu, đoạn từ nút giao thông Mỹ Thủy đến phà Cát Lái tuy không phải là dự án lớn nhưng lại có vai trò đảm bảo giao thông cho tuyến đường huyết mạch của khu vực. Dự án này dự kiến khởi công trong quý 1 năm tới.

Nhiều giải pháp cho các điểm nóng

Lãnh đạo Sở GTVT cho biết còn một loạt giải pháp khác sẽ được đẩy nhanh tiến độ để kéo giảm ùn tắc giao thông tại khu vực cảng Cát Lái, chẳng hạn như chuyển dời trạm cân tải trọng xe trên đường Đồng Văn Cống hiện cách giao lộ Phan Văn Đáng chừng 500m về phía nút giao thông Mỹ Thủy; triển khai phương án cải tạo kích thước hình học nút giao Mai Chí Thọ - Trần Não để điều tiết các loại xe quay đầu một khi xảy ra ùn tắc giao thông; yêu cầu lực lượng Thanh tra Sở GTVT tiếp tục xử lý nghiêm tình trạng dồn tải và lưu thông quá tải trọng cho phép tại khu vực cảng Cát Lái, đặc biệt trên đường Lê Phụng Hiếu, Vành đai 2…

Quay sang điểm nóng ngã tư An Sương trên địa bàn quận 12. Nút giao An Sương là giao lộ của hai trục giao thông quan trọng ở cửa ngõ Tây Bắc thành phố, đó là tuyến quốc lộ 22 và quốc lộ 1. Trong khi tuyến quốc lộ 22 giữ vai trò vận chuyển hàng hóa, hành khách từ Tây Ninh và Campuchia về thành phố, nối  vào trục đường xuyên tâm là đường Trường Chinh thì tuyến quốc lộ 1 có tác dụng vận chuyển hàng hóa, hành khách nối các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ. Chính sự tụ hội này đã dẫn tới sự tập trung khối lượng lớn các loại phương tiện giao thông qua nút và mặc dù hướng giao thông đi thẳng trên quốc lộ 1 hiện là khác mức, tức có cầu vượt, thế nhưng tất cả các hướng giao thông khác đều có khuynh hướng tập trung vào đảo trung tâm, từ đó gây quá tải cho nút giao An Sương. Trên thực tế, hướng giao thông quốc lộ 22 - Trường Chinh dẫn về trung tâm thành phố và ngược lại chiếm lưu lượng xe lớn nhất đổ qua nút. Phó giám đốc Phạm Ngọc Dũng của Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 thuộc Sở GTVT nói rằng điểm nóng này sẽ được giải quyết một cách triệt để bằng phương án làm hầm chui. Một khi được xây dựng, hầm chui sẽ theo hướng Trường Chinh - quốc lộ 22 và sẽ là hầm chui kép, tức là mỗi hướng giao thông một hầm. Phó giám đốc Phạm Ngọc Dũng nhấn mạnh thực hiện điều này cũng sẽ nghiễm nhiên giải quyết luôn được điểm đen trên tuyến. Giờ G được ấn định khởi công hầm chui An Sương là trong quý 4 năm nay còn hiện nay đang là khâu lựa chọn nhà thầu cho gói thầu phần đường trên mặt bằng nút giao.

Trong khi đó một dự án khác cũng vừa được triển khai là dự án cầu vượt thép tại ngã sáu Gò Vấp. Trên thực tế, nút giao thông ngã sáu Gò Vấp là nơi hội tụ toàn bộ các tuyến đường trục quan trọng của quận như Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung, Nguyễn Văn Nghi. Tồn tại lớn nhất ở ngã sáu Gò Vấp đó là tình trạng giao cắt giữa hướng lưu thông từ đường Quang Trung và đường Nguyễn Oanh đổ vào đường Nguyễn Văn Nghi với hướng lưu thông từ đường Phạm Ngũ Lão vào giao lộ. Điểm nóng này cũng có đặc điểm là hiện nay đa phần các tuyến đường trên đó đều có năng lực giao thông đã quá tải, đồng thời không có nhiều đường ngang giao cắt dạng bàn cờ để sẵn sàng “chia lửa” khi xảy ra ùn tắc giao thông. Ngay sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh mới đây, dự án này đã được khởi công phần nhánh cầu Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm trong khi nhánh cầu vượt Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh đang chờ quận Gò Vấp giải tỏa mặt bằng. Nhánh cầu đang thi công, nhánh Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm là nhánh cầu chính và được lên lịch thông xe vào ngay trước Tết Nguyên đán 2017.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục