Thúc đẩy phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam

Ngày 28-11, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã công bố 2 sản phẩm: Công cụ đánh giá rủi ro về nguồn nước ở khu vực Mê Công và Báo cáo rủi ro về nước và các giải pháp của nước cho ngành dệt may Việt Nam.

Tại cuộc họp, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết, Việt Nam đang đứng hàng thứ 4 trong các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới, trong đó Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu, tiếp theo Ấn Độ, Bangladesh. 

Ngành dệt may Việt Nam cũng được cho là đang đứng trước những cơ hội bứt phá khá thuận lợi. Thống kê từ đầu năm 2018 đến nay cho thấy, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của những thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước tham gia CPTPP như Australia, Canada, Nhật Bản… đều tăng trưởng tích cực. Từ năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam dự ước tiếp tục đà tăng trưởng mạnh do được hưởng chính sách ưu đãi thuế từ nhiều hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên. 

Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam đang đón dòng đầu tư, nhất là dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 2,8 tỷ USD, đưa lũy kế đầu tư nước ngoài vào ngành đạt 17,5 tỷ USD. Trong đó, những quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn vào ngành dệt may Việt Nam gồm: Hàn Quốc; Nhật Bản, Hồng Công…

Theo TS Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), cùng với những kết quả đạt được, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức về bảo vệ môi trường và đảm bảo ổn định nguồn nước. Trên thực tế, nhiều nhà máy dệt may khu vực miền Trung, miền Bắc, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã đầu tư vào sản phẩm sợi, dệt hoàn tất; thiết kế robot cho sản phẩm đồ jean; nhà máy kéo sợi đã tự động hóa toàn quy trình sản xuất…
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động lại bị thiếu nguồn nước và thường xuyên bão lũ nên khó có điều kiện phát triển bền vững. Mặt khác, ngành dệt may là ngành đặc thù có nhu cầu sử dụng nước, năng lượng… rất lớn, nhất là công đoạn xử lý vải, nhuộm. Điều này đe dọa trực tiếp đến an ninh nguồn nước và năng lượng. Do đó, cần có những sáng kiến để phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc gia nhưng vẫn đảm bảo các mục tiêu về môi trường. 
Trước thực tế trên, việc WWF đưa ra 2 sản phẩm trên sẽ hỗ trợ phần nào cộng đồng doanh nghiệp phát triển trong tương lai. Báo cáo rủi ro về nước và các giải pháp của nước cho ngành dệt may Việt Nam cũng đã đưa ra 12 kiến nghị của WWF để tạo điều kiện cho ngành dệt may Việt Nam định hướng, gắn kết các bên liên quan đẩy mạnh quản lý cải thiện nguồn nước và sử dụng năng lượng bền vững.

Tin cùng chuyên mục