Thúc đẩy phát triển công nghệ sinh học Việt Nam: Cần hướng đi mới

Thúc đẩy phát triển công nghệ sinh học Việt Nam: Cần hướng đi mới

Theo xếp hạng của Biotechnologi Atlas, công nghệ sinh học (CNSH) Việt Nam đứng ở nhóm giữa trong khu vực ASEAN nhưng vẫn lạc hậu so với các nước Singapore, Thái Lan trong việc ứng dụng nghiên cứu vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm chủ lực… Rõ ràng, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để đưa các kết quả nghiên cứu “vượt” ra ngoài phòng thí nghiệm.

Sốt ruột... vì thủ tục

Nhìn lại quá trình phát triển CNSH nước ta giai đoạn 2006 - 2009, PGS-TS Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, nhận định: Lĩnh vực nghiên cứu CNSH nông nghiệp và y dược ở nước ta đã đạt trình độ khá trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, công tác đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất mới chỉ ở mức trung bình; ứng dụng công nghệ gen trong chẩn đoán và điều trị còn yếu kém, bị Singapore, Thái Lan bỏ xa…

Bộ kit Mono PCR (WSSV) do Trung tâm CNSH TPHCM chế tạo có khả năng phát hiện đặc hiệu virus gây bệnh đốm trắng trên tôm sú

Bộ kit Mono PCR (WSSV) do Trung tâm CNSH TPHCM chế tạo có khả năng phát hiện đặc hiệu virus gây bệnh đốm trắng trên tôm sú

Lý giải thực tế trên, PGS-TS Hồ Huỳnh Thùy Dương, ĐH Khoa học tự nhiên ĐHQG TPHCM, cho biết, doanh nghiệp hoạt động CNSH thường xuất phát từ các phòng, trung tâm nghiên cứu của các trường đại học, do đó nặng tính hàn lâm, thiếu kiến tài chính, marketing... dẫn tới khó đưa các nghiên cứu vào sản xuất. Thêm nữa, sản phẩm CNSH ra đời cũng gặp rất nhiều rào cản từ hàng loạt các quy định, giấy phép và phải chứng minh được tính an toàn mới có thể sử dụng.

Theo Quyết định 212/2005/QĐ-CP, để được phép sản xuất các sản phẩm CNSH phải có hàng loạt giấy chứng nhận về an toàn. Cụ thể, an toàn đa dạng sinh học thuộc thẩm quyền Bộ NN-PTNT, liên quan đến sức khỏe là Bộ Y tế, nhưng đánh giá những tác động tới môi trường lại thuộc thẩm quyền của cả ba Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN và Bộ TN-MT. Tóm lại là quá nhiều cơ quan liên quan đến một công nghệ nào đó từ nghiên cứu thành công đến triển khai sản xuất.

Chính vì thế, bà Lại Hoàng Mai, Giám đốc khối KHCN Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế DOMESCO, tỏ ra “tiếc nuối”: Các doanh nghiệp dược phẩm chủ yếu thu lời từ hoạt động nhập khẩu công nghệ, thuốc thành phẩm, thiết bị y tế (riêng doanh thu DOMESCO lên tới gần 1.000 tỷ đồng), trong khi các công trình nghiên cứu dược phẩm nội địa chất lượng không thua kém nước ngoài lại chưa thể đưa vào sản xuất. Theo bà Mai, rào cản lớn nhất là chưa có được sự liên kết, hỗ trợ từ các đơn vị nghiên cứu, các viện, trường học, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước… để thực hiện chuyển giao các kết quả nghiên cứu CNSH vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả cao.

Cần lộ trình mới

Hội nghị “CNSH toàn quốc - khu vực phía Nam 2009” vừa được tổ chức tại TPHCM vừa qua, PGS-TS Lê Hoài Quốc cũng thừa nhận, các quy định hiện tại của các bộ ngành liên quan còn nặng về “phòng thủ”, ngăn ngừa sai phạm, chính vì thế phần nào đã cản trở việc phát triển lĩnh vực CNSH. Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi các đại biểu đừng sốt ruột, mà phải cùng đưa ra giải pháp khắc phục, hướng vào lộ trình phát triển CNSH.

Hội nghị “Công nghệ sinh học toàn quốc - khu vực phía Nam 2009 là hội nghị tập trung về CNSH đầu tiên được tổ chức tại khu vực phía Nam. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 23 và 24-10, thu hút sự tham gia của 380 đại biểu đến từ 75 đơn vị thuộc 30 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị tới Cà Mau, giới thiệu 180 đề tài nghiên cứu về CNSH, trong đó có 82 công trình được báo cáo chi tiết.

Theo PGS-TS Lê Hoài Quốc, TPHCM với nhiều ưu thế về đơn vị đào tạo, nghiên cứu triển khai CNSH, đội ngũ cán bộ đầu ngành chuyên môn cao… cần giữ vai trò “nhạc trưởng” để “kéo” CNSH khu vực phát triển. Trước mắt, các dự án sản xuất thành phẩm thuộc nhóm A (vaccine, kháng sinh, dược liệu, giống cây trồng...) cần ưu tiên đầu tư; các sản phẩm thuộc nhóm B (protein tái tổ hợp, sản xuất beta-cyclodextrin từ tinh bột...) phải đầu tư có chọn lọc; những dự án sản xuất nguyên liệu nhóm C (nguyên liệu cho sản xuất kháng sinh, protein tái tổ hợp...) có yêu cầu công nghệ cao, khó thử nghiệm, sản xuất thì “để dành” cho tương lai.

Để thực tế hóa các nghiên cứu, TPHCM cần xây dựng mô hình trung tâm CNSH đủ sức kết nối các đơn vị nghiên cứu, cơ sở sản xuất, ứng dụng, cơ sở quảng cáo. Ngoài ra, các vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cũng cần được đầu tư nhiều hơn, nhằm hỗ trợ các nhóm nghiên cứu đưa các ý tưởng vào thực nghiệm, thành công có thể bán đứt bản quyền, hoặc chuyển sang giai đoạn sản xuất.

Tại hội nghị, định hướng chiến lược phát triển CNSH như trên của TPHCM nhận được nhiều sự đồng tình. Tuy nhiên, theo PGS-TS Hồ Huỳnh Thùy Dương, cái khó ở đây là các cơ quan quản lý chưa định hình được quy trình cấp phép “chuẩn”, chi tiết cho các nhóm sản phẩm CNSH… Do vậy, các doanh nghiệp như DOMESCO cũng khó tiếp cận các nghiên cứu chứ chưa nói tới việc sản xuất, thương mại hóa sản phẩm, TPHCM dù có áp dụng chiến lược gì đi nữa thì để nghiên cứu đi vào thực tiễn vẫn là cả đoạn đường dài nhà khoa học, doanh nghiệp chờ đợi, chầu chực giấy phép…

Rõ ràng, nếu chưa có được một hội nghị chuyên sâu, nơi lãnh đạo các Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN, Bộ TN-MT, Bộ KH-ĐT ngồi cùng các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các trường, các doanh nghiệp, cùng thảo luận, giải quyết triệt để vướng mắc, chồng chéo, đưa ra “khung chuẩn” cho việc ra đời các sản phẩm CNSH thì ngành CNSH nước ta vẫn dừng lại ở chữ “tiềm năng” không hơn không kém.

KIÊN GIANG-TIẾN ĐẠT

Tin cùng chuyên mục