Năm 2014, sản xuất công nghiệp lẫn hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn TPHCM có mức tăng trưởng khá. Đặc biệt, dù sức mua của người dân chưa cao, song nhiều quận, huyện có những cách làm hay để kích cầu tiêu dùng hiệu quả, đạt mức tăng trưởng cao, vượt chỉ tiêu đề ra.
Nhiều giải pháp kích cầu hiệu quả
Theo đánh giá của Cục Thống kê TPHCM, năm 2014 sản xuất công nghiệp trên địa bàn được duy trì, mở rộng với mức tăng 7,0% và doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt trên 655.000 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ 2013. Đáng chú ý, ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ, nhiều địa bàn quận, huyện thực hiện vượt kế hoạch, có mức tăng ấn tượng, vượt trên 20%. Qua đây cho thấy, “sức sống” của cộng đồng doanh nghiệp đang trỗi dậy và sức mua của người dân cũng đang dần được cải thiện sau thời gian dài gặp khó khăn do kinh tế suy giảm.
Đơn cử, tại quận Tân Bình, doanh thu từ thương mại dịch vụ năm 2014 thực hiện trên 192.000 tỷ đồng, đạt 101,17% kế hoạch, trong khi đó giá trị sản xuất công nghiệp chỉ tăng nhẹ, trên 6% so với cùng kỳ. Việc TM-DV tăng cao hơn so với sản xuất công nghiệp thể hiện địa bàn quận Tân Bình đang tái cơ cấu kinh tế đúng hướng, giảm dần những ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm, thâm dụng lao động. Theo Phó Chủ tịch Thường trực quận Tân Bình Lê Sơn, để đạt được thành tích trên, địa phương liên tục có những giải pháp nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, quận ủy, UBND quận luôn chỉ đạo các ban ngành và 15 phường tăng cường tiếp xúc, đối thoại với người dân và doanh nghiệp nhằm đề xuất với UBNDTP giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền.
Người dân quận 12 mua hàng từ xe bán hàng lưu động. Ảnh: CAO THĂNG
“Đặc biệt, thực hiện triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đã giúp doanh nghiệp có điều kiện cải thiện, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua”, ông Lê Sơn cho biết.
Để giải quyết nguồn vốn, quận Tân Bình đã tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp trên địa bàn và các ngân hàng tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Kết thúc năm 2014, đã có 57 doanh nghiệp đăng ký tham gia với tổng số tiền vay trên 1.500 tỷ đồng. Với nguồn vốn này đã tạo hấp lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ - chiếm phần lớn trên địa bàn quận Tân Bình có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, quận Tân Bình cũng chủ động thực hiện hàng loạt chương trình nhằm kích cầu tiêu dùng, từ đó giải quyết được lượng hàng ứ động như: Chương trình “Ngày vàng hàng bình ổn thị trường” phục vụ mùa khai giảng năm học 2014 - 2015; “Phiên chợ khuyến mại - con đường khuyến mại” hưởng ứng Tháng khuyến mại trên địa bàn… Song song đó, quận cũng tăng cường các điểm bán hàng bình ổn giá tại các khu dân cư, dân lao động sinh sống để đưa từng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Tương tự, mặc dù ở vùng ven TPHCM nhưng trong năm qua quận 12 có mức tăng trưởng ở lĩnh vực thương mại dịch vụ vượt trên 23%. Đây được xem là con số làm “đảo chiều” cơ cấu kinh tế trên địa bàn so với sản xuất công nghiệp chỉ đạt hơn 15%. Điểm nhấn của quận 12 là triển khai thực hiện khá tốt Chương trình bình ổn thị trường. Trong đó, UBND quận đã chỉ đạo các ban ngành thường xuyên kiểm tra điểm, cửa hàng như siêu thị, cửa hàng tiện ích thực hiện đúng quy định về bày bán hàng tập trung, treo băng rôn, niêm yết giá rõ ràng, đúng quy định nhằm đảm bảo người dân tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của chương trình. Bên cạnh đó, quận cũng thành lập các cửa hàng liên kết, tổ chức Phiên chợ hàng Việt nhằm kích cầu hiệu quả.
Tập trung tái cơ cấu sản xuất
Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Toàn Thắng cho biết, để tiếp tục giữ vững tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh “Thương mại - Công nghiệp - Nông nghiệp” trên địa bàn quận trong 2015, địa phương tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; đồng thời, đẩy mạnh triển khai đầu tư xây dựng đối với những dự án đã có chủ đầu tư; tiếp tục bố trí điểm bán hàng bình ổn. Để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, quận sẽ tổ chức hội nghị Chương trình kết nối cung cầu nhằm triển khai các gói kích cầu về vốn; gặp gỡ đối thoại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc. “Ngoài ra, quận cũng tạo điều kiện thông thoáng thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhất là chính sách về thuế, thủ tục hợp thức hóa nhà xưởng, chính sách giao thuê đất; ưu đãi đầu tư để làm động lực cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư mở rộng sản xuất, tạo nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú chủng loại với chất lượng cao, giá thành thấp nâng cao năng lực cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại”, ông Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.
Theo ông Lê Sơn, trong năm 2015, quận Tân Bình đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu thương mại dịch vụ trên 29% và sản xuất công nghiệp tăng 5%. Để phấn đấu đạt mục tiêu này, ngay từ đầu năm quận tiếp tục sắp xếp lại mạng lưới thương mại dịch vụ; đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất kinh doanh. Trong đó, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang thương mại dịch vụ, phát triển các loại hình dịch vụ; khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh .
Theo Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Văn Khoa, để ngành công thương trên địa bàn đạt tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững, trong năm 2015, đơn vị phối hợp với các sở ngành chức năng và UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện kế hoạch tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế của TP. Trong đó, tập trung hỗ trợ tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp, góp phần cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển sản xuất kinh doanh.
LẠC PHONG