Thúc đẩy sử dụng chữ ký số

Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ thì vấn đề pháp lý, xác thực các hoạt động, giao dịch trên nền tảng số ngày càng quan trọng. 

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giao dịch điện tử, quy định rõ về giá trị pháp lý của chữ ký số, giá trị pháp lý của văn bản điện tử, hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử có ký số có giá trị như văn bản giấy; tạo cơ sở pháp lý thống nhất và thuận lợi trong việc cung cấp, quản lý, sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Vai trò của chữ ký số, chứng thực điện tử trong thời đại công nghệ số ngày càng được khẳng định.

Tính đến tháng 9-2019, Ban Cơ yếu Chính phủ đã cấp gần 220.000 chứng thư số phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp. Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai chữ ký số chuyên dùng trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và đã đạt được những kết quả quan trọng; đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí; nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành… góp phần tích cực vào cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử. 

Số liệu của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) cho biết, tính đến 30-6, NEAC đã cấp gần 2,7 triệu chứng thư số công cộng và số lượng chứng thư số đang hoạt động là trên 1,1 triệu. Các chứng thư số được cấp chủ yếu cho các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử trong các lĩnh vực chính như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội và sử dụng trong các loại giao dịch điện tử khác như chứng từ, hóa đơn, giao dịch ngân hàng, chứng khoán… Tuy nhiên, theo nhận định của Ban Cơ yếu Chính phủ và Bộ TT-TT, việc triển khai chữ ký số vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được tháo gỡ, giải quyết.

Hiện tại khó khăn lớn nhất là nhận thức về chữ ký số của người sử dụng, các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Mặt khác, các văn bản pháp lý trong các ngành, lĩnh vực khác nhau cần có quy định chấp nhận chữ ký số trên thông điệp dữ liệu (có giá trị tương đương chữ ký tay trên bản giấy). Vì vậy, lãnh đạo các cơ quan nhà nước, lãnh đạo các doanh nghiệp, đơn vị cần phải hiểu đúng lợi ích và vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng chữ ký số trong cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp và phát triển nền kinh tế số nói chung. Đây là điều kiện tiên quyết, mang tính quyết định. 

Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68 hướng dẫn Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử có sử dụng chữ ký số. Trong đó có nội dung yêu cầu các hộ kinh doanh cá thể phải ký số trên hóa đơn và dự kiến khoảng hơn 2 triệu hộ kinh doanh cá thể phải sử dụng chữ ký số. Đây là quy định bắt buộc, nên dự kiến sẽ bùng nổ được thị trường chứng thực chữ ký số cá nhân. 

Theo ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc NEAC, theo xu hướng của thế giới, công nghệ triển khai chữ ký số cũng đang dần được hoàn thiện, mở rộng đa dạng môi trường hơn. Xét về mặt pháp lý triển khai chữ ký số công cộng đến thời điểm hiện tại là tương đối đầy đủ, nhưng các phương pháp kỹ thuật công nghệ thì đang còn có “hơi cứng nhắc”. Bộ TT-TT hiện đang xây dựng các dự thảo thông tư quy định về cung cấp dịch vụ chữ ký số trên nền tảng di động và cho phép ký từ xa, dự kiến sẽ được ban hành ngay trong năm nay. Theo các chuyên gia, khi thông tư này được ban hành, bên cung cấp dịch vụ sẽ có căn cứ pháp lý để triển khai các giải pháp. Điều đó có thể tạo ra sự phổ biến dịch vụ chữ ký số di động trong thời gian tới. Và đó sẽ là nền tảng pháp lý cho một nền kinh tế số và xã hội số phát triển một cách lành mạnh, bền vững. 

Tin cùng chuyên mục