Thúc đẩy xúc tiến thương mại theo chiều sâu

Dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN), khiến các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) phải hủy hoặc hoãn lại. Trong bối cảnh đó, nhiều địa phương chủ động số hóa hoạt động XTTM để hỗ trợ DN tiếp cận thị trường, xuất khẩu ổn định. 
Việc xúc tiến thương mại giờ đã chuyển sang online để đảm bảo an toàn trước dịch bệnh
Việc xúc tiến thương mại giờ đã chuyển sang online để đảm bảo an toàn trước dịch bệnh

Theo Bộ Công thương, từ đầu năm 2021 tới nay, bộ đã chủ động tập trung triển khai hoạt động tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết hợp với nhiều địa phương trong cả nước tổ chức hàng ngàn phiên kết nối cung - cầu, lồng ghép chương trình XTTM quốc gia với chương trình khuyến công, chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa. Kết quả đã có hàng ngàn DN được hưởng lợi từ sự phối hợp này và qua hàng trăm buổi giao thương trực tuyến với đối tác nước ngoài. 

Cũng theo Bộ Công thương, hầu hết hoạt động XTTM được nhanh chóng chuyển sang tập trung vào kết nối DN với nhà thu mua trong nước và các đối tác nước ngoài bằng hình thức trực tuyến. Đặc biệt, Sở Công thương nhiều tỉnh thành đã chủ động các hoạt động theo kế hoạch, chủ yếu tập trung xúc tiến nội địa, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tăng cường kết nối, mời DN tham gia các sự kiện trực tuyến. 

Đơn cử, tại Đồng Tháp, năm 2021, Trung tâm XTTM du lịch và đầu tư tỉnh Đồng Tháp đã tư vấn và hỗ trợ DN đưa sản phẩm vào các trang thương mại điện tử lớn (Lazada, Shopee...); tổ chức, tham gia các chương trình liên kết, XTTM với các tỉnh, thành phố trong cả nước; hỗ trợ XTTM giúp DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh duy trì thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới.

Tại Cần Thơ, theo bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại TP Cần Thơ, năm 2021, Cần Thơ chủ động áp dụng hình thức xúc tiến trực tuyến nhằm kịp thời hỗ trợ, cung cấp và chia sẻ thông tin đến DN, nhà đầu tư. Cùng với đó, trung tâm nghiên cứu trình UBND TP 2 đề án: Đề án thực hiện khu trưng bày các sản phẩm đặc trưng vùng miền và sản phẩm OCOP tại khuôn viên trung tâm và Đề án thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu TP Cần Thơ gồm hình ảnh, slogan, biểu tượng, biểu trưng và các ý tưởng... nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu của TP Cần Thơ - thành phố sông nước, đô thị sinh thái đáng sống đến các đối tượng tiềm năng (du khách, nhà đầu tư, DN…) thông qua hoạt động quan hệ công chúng.

Theo đánh giá của cộng đồng DN, việc tham gia XTTM đã giúp họ tiếp cận được khách hàng tiềm năng. Chẳng hạn với lĩnh vực thực phẩm, gần đây đã có không ít DN đưa được sản phẩm như cà phê, tiêu, chè, gạo… sang các thị trường khó tính.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, chia sẻ, DN đã được tham gia nhiều chương trình XTTM, giới thiệu sản phẩm tới các nước khu vực châu Á, châu Âu. Từ đó tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng cũng như thương thảo các hợp đồng mới. 

Hay trong lĩnh vực rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay, từ đầu năm tới nay, nhiều DN rau quả ở các tỉnh, thành phố cả nước đã tham gia nhiều chương trình XTTM trực tuyến để kết nối với đối tác nước ngoài. Qua mỗi đợt kết nối, nhiều DN đã có đơn hàng mới cũng như mở thêm thị trường xuất khẩu.

“Dù dịch bệnh còn phức tạp nhưng trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu rau quả đã đạt 1,35 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Đây là nỗ lực rất lớn của DN cũng như tác động tích cực từ hoạt động XTTM thời gian qua”, ông Nguyên nhận xét. 

Dù đạt nhiều kết quả khích lệ song nhiều DN cho rằng, để XTTM hiệu quả và đi vào thực chất hơn, cơ quan chức năng cần lựa chọn từng mặt hàng, từng thị trường trọng điểm. Chẳng hạn, không nên lồng ghép chung mặt hàng nông sản, thực phẩm trong một buổi XTTM mà chỉ giới thiệu riêng về một mặt hàng nhất định. Việc này sẽ giúp đối tác và DN dễ dàng gặp nhau, trao đổi cụ thể và đưa ra những quyết định mang tính chiến lược hơn.

Từ đầu năm tới nay, các hoạt động XTTM ở nhiều địa phương đã chú trọng xây dựng trên nền tảng số, khai thác ứng dụng công nghệ để chia sẻ thông tin, kết nối cộng đồng DN cũng như các trang web, nhóm kết nối giao thương trên ứng dụng Zalo, Facebook, Viber... Thậm chí, một số địa phương còn đẩy mạnh thực hiện sàn giao dịch điện tử, cử cán bộ tiếp cận hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất đăng tải thông tin, công tác tiêu thụ sản phẩm. 

Tin cùng chuyên mục