Hội trường Dinh Thống Nhất TPHCM ngày 31-1 không còn một ghế trống. Hàng trăm kiều bào (KB) đến từ sớm để tranh thủ gửi câu hỏi liên quan đến những vướng mắc xung quanh việc thực thi Luật Quốc tịch sửa đổi và Luật Nhà ở sửa đổi tại buổi tọa đàm về nội dung trên do Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức. Theo tiến sĩ Lương Bạch Vân, Chủ tịch Hội, dù luật đã có hiệu lực thi hành từ nhiều tháng trước nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc…
Luật Quốc tịch sửa đổi: Mở nhưng còn... lắt léo
Mặc dù Luật Quốc tịch sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành từ 1-7-2009, được “phủ sóng” dày đặc ở các phương tiện thông tin đại chúng và trên các trang web sở ngành nhưng theo nhiều KB thì: “Vẫn còn phức tạp lắm!”.
Ông Thành, KB Đức, thắc mắc: “Tại sao đặt ra những điều kiện này kia, quy định phải đóng góp như thế nào thì KB mới “được” trở lại quốc tịch Việt Nam, thành người VN? Hay phải đem tiền về đầu tư thì mới trở thành người Việt?”.
Ông Nguyễn Thái Phúc, Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TPHCM khẳng định ngay: “Không hề có chuyện yêu cầu bà con KB đóng góp tiền bạc rồi mới xem xét đơn xin nhập tịch. Tất cả đã được quy định rõ trong luật. Ai có nhu cầu và thấy mình đáp ứng đủ yêu cầu thì cứ làm đơn là sẽ được xem xét, giải quyết. Pháp luật của bất kỳ nước nào cũng có những quy định chặt chẽ về quốc tịch, VN cũng không ngoại lệ”.
Một KB Pháp kể thêm: “Tôi có vợ là công dân VN, hiện đang thường trú tại TPHCM. Tôi xin thủ tục để thường trú tại TP thì cán bộ phụ trách đòi giấy khai sinh có ghi dòng chữ “quốc tịch VN”. Trong khi đó, giấy khai sinh của tôi được cấp tại Cần Thơ năm… 1944, mà thời điểm đó giấy khai sinh đâu có ghi quốc tịch VN? Nghe tôi trình bày, đồng chí công an đề nghị: Thôi thì về kiếm lại giấy khai sinh của bố tôi. Mà bố tôi sinh vào… thế kỷ 19, biết kiếm lại cái giấy khai sinh ở đâu bây giờ? Trong khi đó, tại Tổng Lãnh sự VN tại Pháp giải quyết rất nhanh gọn cho tôi. Thế là đồng chí công an khuyên tôi… đáp máy bay qua lại Tổng lãnh sự VN tại Pháp xin thủ tục cho nhanh hơn (?!)”.
“Hiến kế” tại hội trường, một KB Úc cho biết cách làm của Tiền Giang hiện rất được KB đồng tình ủng hộ: Cùng với trường hợp như của ông Việt kiều Pháp, tỉnh Tiền Giang lại “gỡ rối” cho KB chỉ trong vài giờ bằng cách hướng dẫn KB xin làm lại giấy khai sinh mới. Không phát sinh thủ tục, không cần thêm giấy chứng nhận gì nhiều, cơ quan tư pháp tỉnh trong vài giờ có thể cấp lại giấy khai sinh mới. Khi có giấy khai sinh có in rõ chữ “quốc tịch Việt Nam”, tất cả gút mắc được giải quyết.
Ông Nguyễn Thái Phúc nhìn nhận: “Chủ trương là thống nhất từ trên xuống. Để xảy ra việc này là trách nhiệm của cơ quan nhà nước tại từng địa phương. Mỗi nơi lại hiểu và hành xử theo một kiểu, nhiều lúc chỗ này chỗ kia còn chưa rõ nên dẫn đến chuyện KB bị “hành”. Cũng không loại trừ trường hợp đây đó dưới cơ sở cũng còn tiêu cực!”.
Sở hữu nhà ở: “Trên quyết, dưới chưa làm!”
Liên quan đến vấn đề sở hữu nhà ở, ông Hoàng, KB Canada đặt câu hỏi: “Tôi có giấy chứng nhận gốc Việt, lấy vợ là công dân VN. Hiện vợ tôi đang đứng tên một căn nhà ở Việt Nam, vậy tôi có quyền đứng tên cùng với vợ không?”.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản Bộ Xây dựng, trả lời: “Anh hoàn toàn có quyền đứng tên chủ sở hữu căn nhà cùng với vợ”.
“Vậy sao khi tôi đến các cơ quan để làm thủ tục, cơ quan nào cũng bảo là “Ở trên đã quyết nhưng ở dưới chưa làm?” - anh Hoàng bức xúc.
Nghe đến đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, nói: “Về chuyện này, tôi xin lỗi bà con. Mặc dù Luật Nhà ở đã có hiệu lực thi hành nhưng đến nay nghị định hướng dẫn vẫn chưa có. Chúng tôi xin hứa sẽ cố gắng ban hành trong thời gian sớm nhất để đảm bảo quyền lợi cho bà con”.
Bà Sương, KB Mỹ, băn khoăn: “Tôi có giấy chứng nhận gốc Việt. Vợ chồng tôi đã bán hết tài sản ở Mỹ để về nước đầu tư. Hiện tôi có một căn nhà ở Đà Lạt. Thế nhưng khi tôi đóng cửa nhà máy - nghĩa là chấm dứt hoạt động đầu tư tại Việt Nam thì tôi có còn được sở hữu căn nhà đó không?”.
Ông Nguyễn Mạnh Hà trả lời: Nếu là nhà đầu tư thì chị có quyền sở hữu nhiều nhà chứ không chỉ một căn nhà. Khi chấm dứt hoạt động đầu tư, chị vẫn có thể sở hữu nhà nếu chị có quốc tịch Việt Nam. Như vậy, chị cần làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
Một nội dung khác cũng được KB quan tâm là vấn đề thừa kế. Bà Dung, Việt kiều Thái Lan, hỏi: “Tôi đã về nước từ năm 1962 và có tạo dựng được một số tài sản. Con trai, con gái tôi hiện đều đã nhập quốc tịch Đức và Mỹ. Vậy các con tôi có được hưởng thừa kế nếu tôi chia tài sản cho chúng không?”.
Anh Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Hộ tịch Sở Tư pháp TPHCM, giải đáp: Dù là mang quốc tịch nào, các con bà cũng được quyền thừa kế tài sản của bố mẹ. Riêng tài sản về nhà, nếu các con bà không thuộc đối tượng được quyền sở hữu nhà thì vẫn được hưởng giá trị của căn nhà đó.
Trả lời thắc mắc của anh Hào, một KB Pháp, về việc liệu Việt kiều đã mất quốc tịch nhưng còn giấy chứng nhận gốc Việt thì có được sở hữu nhà hay không, ông Nguyễn Văn Hồng, đại diện Sở TN-MT TPHCM, cho biết: Nếu người có giấy chứng nhận gốc Việt mà đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại Điều 126 Luật Nhà ở sửa đổi thì vẫn được sở hữu nhiều căn nhà. Nếu anh Hào không thuộc nhóm đối tượng đã nêu trong luật nhưng được cơ quan có thẩm quyền của VN cấp giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại VN từ 3 tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư. Ngay khi được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, KB có thể bán, sang tên căn nhà nếu có nhu cầu như mọi công dân VN khác.
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách dành cho KB, chẳng hạn như miễn thị thực visa, chính sách quốc tịch và chính sách nhà ở... Điều này đã đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của đông đảo KB. Tôi cho rằng việc tạo điều kiện cho KB được sở hữu nhà trong nước là một việc làm hoàn toàn phù hợp và hy vọng trong thời gian tới luật sẽ càng “nới rộng” hơn nữa để ngày càng có nhiều KB được trở về sinh sống tại quê hương. Chủ trương, chính sách đã có, chỉ mong các cơ quan chức năng có trách nhiệm thi hành cải cách thủ tục hành chính sao cho thông thoáng, đơn giản để KB nhanh chóng được hưởng những quyền lợi từ chủ trương, chính sách đó.
Trước đây nhiều KB phàn nàn bị làm phiền nhiều về chuyện “bị” vận động đóng góp liên tục cho các quỹ này quỹ kia ở địa phương trong khi những vướng mắc của họ thì không nơi nào giải quyết dứt điểm, bị hành vì thủ tục hành chính… Hiện nay, những quan điểm đó đã được xóa bỏ. Trên địa bàn quận 7 hiện có gần 1.000 KB. Trong đó có hơn 400 KB đang kinh doanh với tổng số vốn gần 1.000 tỷ đồng. Riêng khu vực Phú Mỹ Hưng đã tập trung rất đông KB sinh sống, làm ăn. Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe các ý kiến trao đổi, phản ánh của KB để kiến nghị cấp trên nhanh chóng tháo gỡ. Quy định dù sao cũng là “ở trên”, “ở dưới” thực thi luật như thế nào mới quan trọng để KB an tâm sinh sống, làm ăn, đóng góp cho đất nước. |
Hồng Hiệp - Mai Hương