“Đề án 30 đang vào thời kỳ nước rút của giai đoạn rà soát thủ tục hành chính (TTHC). Đây là giai đoạn quyết định sự thành công của đề án, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của các đơn vị” - tiến sĩ Ngô Hải Phan, Tổ phó thường trực Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là tổ công tác) khẳng định như trên tại buổi làm việc giữa tổ công tác với UBND TPHCM ngày 4-3.
Đòi hỏi bản lĩnh, quyết tâm
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí cho rằng: Trung ương ban hành quá nhiều văn bản mới, chẳng hạn như việc cấp giấy chứng nhận nhà đất mới đã đẩy khối lượng công việc của cơ sở lên nhiều, làm xáo trộn toàn bộ bộ máy hành chính cấp dưới. Trong khi đó, vì khoán kinh phí, biên chế cứng ngắc nên anh em không dám “sáng tạo” thêm TTHC vì đã quá vất vả. Quan trọng là ở trên tinh giản hoặc ban hành TTHC sát thực tiễn bao nhiêu thì địa phương, cơ sở càng đỡ vất vả mà công việc thuận lợi hơn nhiều.
Đồng chí đề nghị: “Cần tăng cường mời gọi người dân, DN tham gia quá trình rà soát để cắt giảm TTHC, nhất là với những thủ tục ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ như đất đai, đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, cấp phép xây dựng... Nếu có sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có cái nhìn toàn diện hơn, sát thực tiễn hơn. Với Đề án 30, chúng ta đã mở ra một diễn đàn công khai, bình đẳng cho các bên cùng tham gia xây dựng cơ chế, chính sách”.
Một luật sư của Đoàn Luật sư TP nêu vấn đề: Nếu ai cũng chỉ nghĩ tới việc xây dựng một hệ thống sao cho minh bạch, ít có kẽ hở và bảo đảm lợi ích của người dân thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Một chuyện đơn giản nhất là phát hành phôi giấy mẫu của các thủ tục. Các bộ ngành cứ giữ rịt chuyện ban hành và bắt các địa phương trong cả nước phải mua lại, từ giấy khai sinh, bản sao giấy khai sinh, giấy chứng tử, giấy hồng... Vì vậy mới có chuyện mẫu giấy hết trong khi mẫu từ trung ương chưa về kịp, nhiều địa phương phải ngưng cấp giấy cho người dân! Để giữ được kết quả rà soát TTHC đòi hỏi bản lĩnh và quyết tâm của lãnh đạo đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu.
Tiến sĩ Ngô Hải Phan khẳng định: Đây là năm trọng tâm, quyết định sự thành công hay không của giai đoạn 2, cũng là năm kết thúc đề án vào ngày 31-12-2010. Khối lượng công việc rất nặng nề. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản có sự “vênh” nhau hoặc thể hiện quyền lợi cục bộ, chúng tôi sẽ kiến nghị sửa đổi văn bản đó cho phù hợp. Theo kế hoạch, đến ngày 31-3-2010, các bộ, ngành địa phương sẽ gửi kết quả rà soát về tổ công tác. Chúng tôi sẽ trình Chính phủ gói kiến nghị giai đoạn 2 với trên 5.400 TTHC, đồng thời kiên quyết báo cáo Thủ tướng phê bình những bộ, ngành, địa phương không hoàn thành chỉ tiêu, làm hình thức, chậm tiến độ…
Mục tiêu: cắt giảm 30% thủ tục hiện hành
Để duy trì kết quả bền vững của Đề án 30 sau khi kết thúc vào cuối 2010, Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị định về kiểm soát TTHC. Khi ấy, việc xem xét TTHC không dừng lại ở các TTHC đã được ban hành mà cả với các văn bản, thủ tục đang trong giai đoạn dự thảo, theo 3 tiêu chí về sự cần thiết, hợp lý và hợp pháp. Bên cạnh đó, cũng phải tính toán được nếu TTHC đó được ban hành thì chi phí cho việc tuân thủ là bao nhiêu, để từ đó quyết định có cần thiết phải ban hành TTHC đó hay không. Nghị định kiểm soát TTHC cũng sẽ quy định cụ thể về hành vi được làm, không được làm, nghiêm cấm đối với CBCC, đồng thời tạo ra cơ chế để người dân phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan có trách nhiệm khi CBCC làm không đúng, nhũng nhiễu nhân dân…
Khi làm việc với các tỉnh thành khác trong cả nước, tổ công tác cũng ghi nhận những điều tương tự. Trong công điện mới nhất gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc bức xúc: “Qua theo dõi, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát TTHC, tổ công tác nhận thấy hầu hết các cơ quan đều có khả năng đạt được chỉ tiêu do Thủ tướng giao về việc đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định hiện hành về TTHC. Tuy nhiên, chất lượng rà soát của nhiều đơn vị vẫn còn mang tính hình thức, chủ yếu thiên về hoàn thiện pháp luật hoặc cắt giảm bớt thời gian thực hiện thủ tục chứ chưa mạnh dạn cắt bỏ những thủ tục đem lại lợi ích cục bộ cho địa phương, cơ quan, đơn vị mình, chưa thật sự cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC cho người dân, DN. Vẫn còn tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ. Nếu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục duy trì cách làm này thì chắc chắn sẽ không đạt chỉ tiêu Thủ tướng đã giao”.
HỒNG HIỆP