Thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn cho TPHCM: Tiêu chí hàng đầu là chất lượng nước

Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn từ nguồn đến khách hàng sử dụng nước, nguồn nước sau khi xử lý từ các nhà máy nước luôn nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn về chất lượng nước của Bộ Y tế. Đây cũng là tiêu chí hàng đầu trong kế hoạch trên.
Thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn cho TPHCM: Tiêu chí hàng đầu là chất lượng nước

Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn từ nguồn đến khách hàng sử dụng nước, nguồn nước sau khi xử lý từ các nhà máy nước luôn nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn về chất lượng nước của Bộ Y tế. Đây cũng là tiêu chí hàng đầu trong kế hoạch trên.

Thực hiện 8 chỉ tiêu đặc thù khắt khe hơn quy định

Lãnh đạo Sawaco thông tin, chất lượng nước sạch cung cấp cho hệ thống cấp nước thành phố được quản lý chặt chẽ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành năm 2009. Ngoài ra, để phục vụ tốt hơn công tác quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng nước và từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm nước sạch đến khách hàng sử dụng, Tổng Công ty cũng ban hành tiêu chuẩn chất lượng nước áp dụng đối với sản phẩm nước sạch của các nhà máy và trạm xử lý hòa vào mạng cung cấp nước của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn.

Ngoài ra, Tổng Công ty yêu cầu các nhà máy nước và các đơn vị quản lý mạng lưới cấp nước quản lý chặt chẽ chất lượng nước sau xử lý và nước sạch trên mạng lưới cấp nước theo tiêu chuẩn chất lượng nước sạch của Tổng Công ty. Trong đó, 8 chỉ tiêu chất lượng nước đặc thù được quy định khắt khe hơn so với QCVN 01:2009/BYT là: pH, độ đục, sắt tổng số, mangan tổng số, Nitrat, Nitrit, Clo dư và hàm lượng Amoni.

Nhà máy nước Thủ Đức có công suất phát nước lớn nhất Việt Nam.

Phòng Quản lý Chất lượng nước, đại diện Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn thực hiện công tác định kỳ hàng tháng gửi mẫu nước của 2 nhà máy nước Thủ Đức và Tân Hiệp tới Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 là đơn vị kiểm tra độc lập và uy tín để phân tích mẫu nước thô và mẫu nước sạch của 2 nhà máy nước.

Trong thời gian gần đây, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn tiếp nhận thêm 122 trạm cấp nước của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh Môi trường Nông thôn, tập trung tại 11 quận, huyện ngoại thành. Công nghệ xử lý nước của trung tâm dựa trên tính chất nước ngầm, hoạt động tương đối ổn định và phù hợp. Do các trạm giếng này nhỏ với công suất dưới 1.000m3/ ngày đêm, nước sạch được cung cấp cho các cụm dân cư nhỏ lẻ; do đó chất lượng nước sạch của trung tâm được áp dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt QCVN 02: 2009/BYT do Bộ Y tế ban hành 17/06/2009; bao gồm 14 chỉ tiêu cơ bản. Tuy nhiên, do máy móc thiết bị chưa được trang bị đầy đủ nên hiện tại trung tâm chỉ thực hiện được công tác kiểm tra một số chỉ tiêu sau:  màu sắc, mùi vị và độ trong của nước được nhân viên tại trạm cấp nước kiểm tra hàng ngày bằng phương pháp cảm quan. Đối với các chỉ tiêu: pH, Clo dư, sắt tổng số và hàm lượng Clorua được cán bộ giám sát khu vực tiến hành kiểm tra hàng tuần.

Tăng tần suất kiểm tra chất lượng nước

Phòng Quản lý Chất lượng nước có công tác phối hợp kiểm tra giám sát và đề nghị trung tâm tăng cường tần suất theo dõi kiểm tra chất lượng nước sạch để đảm bảo chất lượng nước cung cấp cho khách hàng của Trung tâm đạt tiêu chuẩn QCVN 02: 2009/BYT. Hàng tháng, Tổng Công ty phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng thành phố thực hiện nghiêm chỉnh công tác giám sát chất lượng nước trên địa bàn Thành phố nhằm đạt hiệu quả cao và xử lý nhanh chóng, kịp thời các sự cố chất lượng nước xảy ra, đảm bảo an toàn cấp nước.

Ngoài ra, hàng tháng nhân viên của Phòng Quản lý Chất lượng nước  phối hợp cùng các đơn vị quản lý mạng lưới cấp nước (6 Công ty Cổ phần Cấp nước và 2 Công ty TNHH MTV Cấp nước) tiến hành lấy mẫu, phân tích kiểm tra các chỉ tiêu pH, Clo dư, độ đục, độ mặn, độ cứng, sắt, mangan, coliform. Trung bình mỗi địa bàn mạng lưới do một đơn vị quản lý sẽ được lấy 10 mẫu nước tại những địa chỉ khách hàng dùng nước cụ thể. Kết quả sau khi phân tích sẽ được báo cáo cho Ban Tổng Giám đốc Tổng Công ty và gửi về các đơn vị để theo dõi, phục vụ công tác quản lý vận hành mạng lưới.

Việc kiểm tra chất lượng nước tại Nhà máy nước Thủ Đức được thực hiện chặt chẽ.

Phòng Quản lý Chất lượng nước đang thực hiện công tác hoàn thiện bản đồ giám sát chất lượng nước, bao gồm giám sát chất lượng nước nguồn và nước sạch trên mạng lưới cấp nước nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, hạn chế tối đa các mối nguy cơ, rủi ro trên toàn hệ thống cấp nước của thành phố Hồ Chí Minh; và chủ động trong việc ứng phó với các mối nguy hại cho hệ thống cấp nước.

Với việc tuân thủ chặt chẽ các quy định về quản lý chất lượng nước nên chất lượng nước sau xử lý và chất lượng nước sạch đến tận vòi nước khách hàng luôn ổn định trong khoảng giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế (đối với hệ thống cấp nước từ các nhà máy nước lớn) cũng như tiêu chuẩn chất lượng nước sạch của Tổng Công ty và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt QCVN 02: 2009/BYT của Bộ Y tế (đối với hệ thống cấp nước qua các trạm giếng nhỏ lẻ).

 GIA ANH

Tin cùng chuyên mục