Văn minh là thước đo cơ bản của một đô thị hiện đại. Một đô thị hiện đại, có bề dầy lịch sử, trước hết đô thị ấy phải văn minh. Văn minh đô thị không phải “tự mọc ra” mà nó được xây dựng từ bàn tay khối óc của những người sống trong đô thị đó, được khơi nguồn từ ý thức người dân. Đó là nền móng xây nên một đô thị văn minh.
TPHCM là một đô thị bậc nhất, là trung tâm kinh tế văn hóa xã hội của cả nước. Với gần 8 triệu người như hiện nay thì việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị là một vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp. Lượng người tứ xứ về nhập cư sinh sống tăng vọt hàng năm, càng làm cho TP “giãn” ra về địa lý, đông nhân khẩu, chật chội phố phường. Hàng ngày trên các tuyến đường, quán xá, nhà hàng, bệnh viện, nơi công cộng… biết bao việc làm chưa tốt như xả rác bừa bãi, phóng uế nơi công cộng, chen lấn xô đẩy, nói tục… tất cả những việc thiếu văn hóa ấy đều bắt nguồn từ ý thức chủ quan, xem thường, thiếu tôn trọng xã hội của cá nhân. Những người có hành vi ấy chưa nhìn thấy được mỗi việc mình làm, mỗi lời mình nói đều ảnh hưởng tốt hay xấu đến môi trường xã hội chung quanh.
Chúng ta thừa hiểu việc xây dựng đô thị văn minh không phải việc của một người, mà nó được vun đắp từ nếp nghĩ và hành động của tất cả các tầng lớp nhân dân trong TP. Thay vì trước đây xả rác bừa bãi, phóng uế lung tung, nói năng bất nhã, cư xử thiếu văn hóa… thì nay cần đổ rác đúng nơi quy định, nói năng lễ phép trên kính dưới nhường, cư xử lịch thiệp. Đó là việc làm nhỏ thường ngày nhưng có ý nghĩa lớn lao, để cùng chung tay góp sức xây dựng TP văn minh.
Với yêu cầu hiện nay, mỗi người dân của TPHCM phải thay đổi nếp sống cho có ý nghĩa và sống có ý thức vì cộng đồng là điều cần thiết, là sống đẹp “mình vì mọi người”, vì một TP văn minh hiện đại. “Nấc thang” văn minh đô thị TP chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân, bắt nguồn từ lòng dân.
MAI THẮNG