Thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam

Sáng 22-11, với tỷ lệ 91,08% tổng số ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 của Luật Đầu tư cũng đã được cơ quan lập pháp thông qua với tỷ lệ tán thành 83,16%.
Thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam

(SGGPO).- Sáng 22-11, với tỷ lệ 91,08% tổng số ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 của Luật Đầu tư cũng đã được cơ quan lập pháp thông qua với tỷ lệ tán thành 83,16%.

Biểu quyết thông qua thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử

Theo dự thảo Nghị quyết về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua, thị thực điện tử được cấp qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị nhập cảnh một lần, thời hạn không quá 30 ngày.

 Việc thí điểm cấp thị thực điện tử áp dụng đối với công dân của nước có đủ các điều kiện: có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam. Chính phủ quyết định danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.

Việc thí điểm cấp thị thực điện tử được thực hiện trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày 1 tháng 2 năm 2017. Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm 2018.

Theo Báo cáo giải trình việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư (do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày tại phiên họp), theo quy định của Luật Ban hành văn quy phạm pháp luật thì văn bản được ban hành theo trình tự, thủ tục rút có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ngày ký ban hành.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017, trừ các ngành, nghề kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2017 và giao Chính phủ quy định việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh các ngành, nghề này.

Vẫn theo báo cáo, về  đề nghị bổ sung một số ngành, nghề mới vào Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện như: Xăm hình vĩnh viễn; Thám tử tư; Rà phá bom, mìn, vật liệu nổ; Kinh doanh chất phụ gia công nghiệp và chất phụ gia thực phẩm; Kinh doanh thực phẩm chức năng vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ý kiến khác đề nghị bổ sung Kinh doanh vàng trên tài khoản vào ngành, nghề cấm kinh doanh..., Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là những đề xuất mới mà cơ quan soạn thảo chưa có thời gian nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động, do đó đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để trình Quốc hội bổ sung trong thời gian tới.

Về việc bổ sung ngành, nghề Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, qua kết quả Phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, đa số đại biểu tán thành với việc bổ sung ngành, nghề này (348/439 chiếm 79,3%). Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và bổ sung ngành, nghề này vào Danh mục.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục