Thực phẩm an toàn, kinh tế mới mạnh

Trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc nỗ lực gia tăng nhu cầu tiêu thụ trong nước để thúc đẩy nền kinh tế, an toàn thực phẩm đã trở thành vấn đề không nhỏ.

Thật vậy, an toàn thực phẩm đã trở thành mối quan tâm lớn của người dân Trung Quốc, đặt biệt là trong vài năm qua. Dự án thái độ toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) cho biết có đến 41% người dân đô thị Trung Quốc cho rằng an toàn thực phẩm đã trở thành vấn đề rất lớn, nghiêm trọng hơn gấp 3 lần so với năm 2008 và giờ đây đang ở mức độ tương đương với những mối quan tâm phổ biến khác như tham nhũng, bất bình đẳng…

Điều này đã ảnh hưởng đến sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc - nền kinh tế thứ hai trên thế giới - bởi vì nó có thể kích động thêm sự lo lắng, hoài nghi, thận trọng và thậm chí thái độ chê bai, nhạo báng của người tiêu dùng. Ngày nay, người Trung Quốc mua thực phẩm với một thái độ rất khác trước đây. Luôn thận trọng với mọi thứ và tiếp thu nghiêm túc mọi tin tức liên quan đến thực phẩm. Hơn thế nữa, họ đã tự “điều chỉnh” cách thức mua thực phẩm và sự điều chỉnh này đã tác động trực tiếp đến sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc.

Một trong những “chiến lược” mua thực phẩm của người Trung Quốc là phân tán độ rủi ro bằng cách thay thế thực phẩm ngoại nhập khẩu. Theo East Asia Forum, các nghiên cứu cho thấy 50 thương hiệu hàng hóa hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm cả những công ty thực phẩm và nước giải khát, có tổng giá trị khoảng 325 tỷ USD, nhưng chỉ chiếm có hơn 5% tổng sản phẩm quốc nội của Trung quốc. Một cú đánh vào lòng tin đối với những công ty này có thể để lại những hậu quả thực sự cho nền kinh tế Trung Quốc. Chẳng hạn như, việc mua sữa bột trẻ em trực tiếp từ nước ngoài là rất phổ biến hiện nay đối với các bà mẹ và những người sắp làm mẹ. Nhu cầu sữa bột ngoại cao đến nỗi các nhà bán lẻ tại các thị trường như Hồng Công và Anh đã phải áp đặt giới hạn về số lượng cho từng khách hàng. Việc mua sữa bột ngoại bằng hình thức mua trực tuyến đã nở rộ trên khắp Trung Quốc.

Một “chiến lược” khác là họ tự tìm kiếm và tạo điều kiện cho những nền kinh tế nhỏ hơn nhưng có lương tâm hơn ra đời. Sự tăng trưởng của các sản phẩm nông nghiệp sạch của các gia đình đô thị đang tăng. Các ngôi chợ của những nhà nông đang mọc lên các trung tâm đô thị lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh và Tô Châu và hoạt động bất hợp pháp bên ngoài những khu trao đổi thương mại của nhà nước. Đó là chưa kể một lực lượng không nhỏ người đô thị rời bỏ những công việc văn phòng ở thành thị về quê thuê đất để trồng trọt, chăn nuôi với quy mô nhỏ. Mỗi một trang trại có thể cung cấp lương thực quanh năm cho khoảng 400 hộ gia đình thành thị. Đối với những “người nông dân mới” này, mối quan tâm sâu sắc đối với sức khỏe của con cái trong những năm đầu đời là một trong những động lực chính của họ.

Nhiều người Trung Quốc cho rằng kinh tế đất nước phát triển quá nhanh vì người ta chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đến an toàn sản phẩm. Chính phủ Trung Quốc được dư luận quốc tế đánh giá cao trong việc xử lý tệ nạn xã hội này. Tại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc hồi tháng 3 vừa qua, Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm chính thức được nâng lên cấp bộ. Đây là một phần của hàng loạt các sáng kiến pháp lý và hành chính để giải quyết triệt để về an toàn thực phẩm của nước này. Bên cạnh “bong bóng bất động sản”, những vấn đề xã hội nhức nhối, trong đó có thực phẩm không an toàn, đang  làm thị trường Trung Quốc suy giảm sức mạnh và ảnh hưởng sâu sắc tới tương lai của nền kinh tế hùng mạnh này.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục