Mặc dù đã là mùng 7 Tết Canh Dần nhưng giá cả nhiều loại thực phẩm và dịch vụ vẫn chưa trở về mặt bằng giá ngày thường.
Tại các chợ lớn ở Hà Nội như Thành Công, Láng Hạ, Kim Liên, Hàng Bè, các thực phẩm tươi bị đẩy giá lên rất cao do có ít người bán trong khi người mua lại khá đông.
Cải thảo lên 20.000 đồng/kg, nấm kim châm là 25.000 đồng/gói, đắt gấp đôi so với trước tết. Đặc biệt, xương heo bị nâng tới 60.000-70.000 đồng/kg, gấp đôi so với trước tết. Thịt thăn bò 200.000 đồng/kg, cao hơn 50.000 đồng/kg; thịt bò lõi rùa 300.000 đồng/kg, cao hơn 100.000 đồng/kg so với trước tết. Gà ta làm sẵn 150.000 đồng/kg, cao hơn 20.000 đồng/kg so với trong tết. Cá chép 100.000 đồng/kg, cá quả 150.000 đồng/kg, đắt hơn rất nhiều so với trong tết.
Những người bán hàng tại chợ Kim Liên cho biết: Sau Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa từ ngoại thành và các tỉnh lân cận về những chợ trung tâm bị hạn chế, có rất ít chủ hàng và chủ xe chịu đi chợ sớm, bởi theo quan niệm của người Việt Nam, tháng Giêng là tháng đi lễ hội.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng lại khá cao nên giá cả sẽ cao hơn trong tết. Những người bán hàng cũng cho rằng, theo kinh nghiệm các năm, giá cả sẽ bình ổn sau rằm tháng Giêng bởi việc lưu thông hàng hóa lúc đó mới trở lại bình thường. Chính vì giá cả hàng hóa tại các chợ bị đẩy lên cao như vậy nên nhiều bà nội trợ đã chọn phương án vào siêu thị mua hàng. Mặc dù thực phẩm tươi sống và rau củ trong siêu thị những ngày sau tết chưa được phong phú như ngày thường nhưng bù lại là giá cả hợp lý hơn.
Ở TPHCM, nhiều siêu thị đã đồng loạt mở cửa hoạt động trở lại ngay từ sáng sớm. Theo đó, lượng hàng hóa về 3 chợ đầu mối lớn là Bình Điền (quận 8), chợ Thủ Đức (quận Thủ Đức) và chợ Hóc Môn (huyện Hóc Môn)… cũng tăng trở lại (tăng 2 - 3 lần so với thời điểm trước đó từ 2 - 3 ngày).
Mặc dù vậy nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP thì đến thời điểm này, mặt bằng giá các mặt hàng thiết yếu vẫn còn khá cao.
Đặc biệt là thịt heo, giá bán tại các hệ thống siêu thị và các cửa hàng bán lẻ của Vissan hiện từ 72.000 - 88.000 đồng/kg (đối với thịt ba rọi và thịt nạc, tăng 2.000 - 4.000 đồng/kg) so với mức giá bình ổn tết. Giá thịt bò cũng tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg lên 140.000 - 145.000 đồng/kg. Nhiều loại thủy hải sản do lượng hạn về vẫn còn hạn chế nên trong những ngày này giá cũng còn khá cao, tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) giá cá lóc nuôi từ 50.000 - 55.000 đồng/kg; cá diêu hồng loại 700g - 800g 45.000 đồng/kg cũng tăng khoảng 5.000 đồng/kg.
Tuy nhiên “neo” giá cao nhất là các loại rau củ quả. Tại chợ Cây Thị (quận Bình Thạnh) bí 10.000 đồng/kg; bông cải 16.000 đồng/kg; đậu que 13.000 đồng/kg; dưa leo 15.000 đồng/kg; cà chua 20.000 đồng/kg… mặc dù vậy nhưng do thị trường đang bắt đầu bước vào mùa chay nên sức mua mặt hàng này hiện rất cao.
Mặc dù chưa trở lại mức giá thường ngày, tuy nhiên nếu như so với cách đây 2 - 3 ngày thì mặt bằng giá hiện nay cũng đã bớt “căng” khá nhiều, đó là nhận định của hầu hết các khách hàng.
M.THI - TR.NGỌC
Nhiều dịch vụ vẫn “chặt chém”
Ngày 20-2, mùng 7 Tết, tại Hà Nội, nhịp sống đã trở lại gần như bình thường. Tuy nhiên, tại nhiều khu vui chơi giải trí như Vườn thú Thủ Lệ, Công viên Lênin, Thiên đường Bảo Sơn vẫn đông khách. Điều đáng nói là rất nhiều dịch vụ ở những nơi này vẫn rất đắt đỏ, “chặt chém” du khách, đặc biệt là dịch vụ gửi xe lên tới 10.000 - 15.000 đồng/xe máy. Ngoài ra giá cả dịch vụ ăn uống và chụp hình cũng đắt gấp 2 - 3 lần so với ngày thường.
Tại nhiều ngôi chùa lớn của Hà Nội như Quán Sứ, Phúc Khánh, chùa Hà, bia Bà, Phủ Tây Hồ, lượng người tới lễ rất đông. Tại những nơi này, ngoài tình trạng ăn xin, chèo kéo du khách mua sách tướng số, bói toán thì dịch vụ đổi tiền lẻ cũng chém đẹp du khách.
Để đổi một tập tiền loại 500 đồng hay 1.000 đồng thì du khách chỉ được 10 ăn 7, thậm chí với loại tiền giấy cotton 10.000 đồng được cho là đồng tiền may mắn thì khi đổi 10 chỉ ăn 5.
QU.LẬP