Thức tỉnh trước những thói nghiện

Hẳn nhiều người chưa thôi ám ảnh bởi vụ án mạng kinh hoàng xảy ra chiều ngày 19-6 mới đây tại ấp Bình Phi, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Phạm Văn Mạnh, một con nghiện ma túy lâu năm, lên cơn đói thuốc đã điên cuồng xả dao, cuốc vào nhiều người, làm chết 2 bé gái song sinh 8 tháng tuổi và làm 4 người khác trọng thương, trong đó có mẹ ruột của Mạnh.

Tác hại của ma túy có lẽ không còn xa lạ với bất kỳ ai. Không chỉ hủy hoại thể chất, nhân cách, trí tuệ, tinh thần người nghiện, nó còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác cho xã hội như gây thiệt hại về kinh tế, làm phát sinh tội phạm (trộm cướp, giết người…), là mầm mống gieo rắc bệnh tật (AIDS, ung thư…), làm băng hoại đạo đức xã hội… Thế nhưng điều nghịch lý là những câu chuyện gây ám ảnh kể trên lại đang ngày càng trở nên phổ biến. Những vụ sản xuất, tàng trữ, buôn bán ma túy với nhiều cấp độ (trong nước, xuyên quốc gia) bị khám phá ngày càng nhiều lại đồng nghĩa với việc hoạt động này ngày càng trở nên tinh vi, bài bản hơn.

Ma túy không còn dừng ở dạng cần sa, thuốc phiện, heroin mà đã nâng lên đẳng cấp: ma túy tổng hợp, ma túy đá và nhiều dạng khác. Ma túy đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, từ thành thị đến thôn quê, từ người giàu đến kẻ nghèo. Và đáng lo ngại, đối tượng của ma túy giờ đây chủ yếu là thanh thiếu niên - lực lượng được coi là rường cột, là tương lai của quốc gia.

Để ma túy trở thành thảm họa cho bản thân, gia đình và xã hội, “tội nợ” này do ai? Rõ ràng ngoài tội lỗi của những kẻ sản xuất, buôn bán ma túy, trách nhiệm trước hết thuộc về người nghiện, bởi bản thân họ đã không đủ nhận thức, không đủ bản lĩnh để khước từ cám dỗ của “cái chết trắng”. Kế đến là lỗi của gia đình, của nhà trường, nơi trực tiếp dưỡng dục họ. Tuy vậy, khi nạn nghiện ngập đã trở thành hiện tượng phổ biến trong xã hội thì trách nhiệm đã không còn dừng ở phạm vi của một gia đình, một nhà trường nào đó.

Cũng như nhiều nước, từ nhiều năm qua, Đảng, Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tốn không biết bao sức người, sức của, thậm chí cả máu và nước mắt, để khám phá, ngăn chặn mầm mống “cái chết trắng”. Thế nhưng những nỗ lực ấy cũng giống như việc cắt vòi những con bạch tuộc: cắt vòi này, vòi khác lại mọc, thậm chí chưa cắt xong vòi đã mọc!

Vì sao lại như vậy? Một điều dễ dàng nhận ra: tệ nạn ma túy bao giờ cũng đồng hành với các loại tệ nạn, tiêu cực khác trong xã hội. Mà nguyên nhân gốc rễ của các loại tệ nạn, tiêu cực bắt nguồn từ việc nhiều người đã nhận thức sai giá trị đích thực của cuộc sống, họ trở nên đồng hóa bản thân mình với tính vật chất. Nói khác, việc “người người, nhà nhà lao vào kiếm tiền” chỉ để thỏa mãn những “thói nghiện” vật chất đơn thuần mà quên mất rằng giá trị đích thực, lớn lao hơn của một đời người là làm sao để có được cuộc sống hài hòa, an lạc, nâng cao giá trị tinh thần. Và một khi những giá trị đạo đức, nền tảng văn hóa - giáo dục, lối sống… trở nên biến dạng, con người không còn khả năng nhận thức được ý nghĩa đích thực của cuộc sống, thì sự lên ngôi của “những chiếc vòi bạch tuộc” là điều không thể tránh.

Nhìn nhận từ góc độ đó, có thể thấy rằng, để giảm thiểu những vấn nạn tiêu cực trong xã hội nói chung, nạn ma túy nói riêng, bên cạnh những biện pháp mang tính trấn áp, trừng phạt hay “cắt cơn”, cai nghiện, cần tăng cường những giải pháp mang tính nhân văn để tác động làm thay đổi sâu sắc nhận thức của cộng đồng về giá trị đích thực của cuộc sống. Tuy nhiên, đây là một công việc cực kỳ khó khăn, lâu dài, đòi hỏi phải có sự nhận thức đúng đắn và chung tay của cả cộng đồng.

Vì vậy, hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống ma túy (26-6) hay bất cứ một cuộc “phòng chống” nào khác, phải bắt đầu bằng những hành động thức tỉnh lương tri trong mỗi con người, đặc biệt những người có trách nhiệm. Xã hội sẽ không bao giờ có được sự bình yên và phát triển bền vững một khi những giá trị đích thực của cuộc sống không trở thành nền tảng trong chiến lược phát triển một quốc gia. 

PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục