Thực trạng nhân công ở các tập đoàn tư bản - Bài 1: Chuyện từ Trung Quốc

Thực trạng nhân công ở các tập đoàn tư bản - Bài 1: Chuyện từ Trung Quốc

Trong tiến trình toàn cầu hóa, nhiều nước đang phát triển trở thành nơi cung cấp nguồn lực lao động quan trọng cho các tập đoàn đa quốc gia. Lợi nhuận của các tập đoàn này ngày càng lớn nhưng không kèm theo mức tương ứng về chế độ đãi ngộ với người lao động. Điều này đã trở thành vấn đề lớn, đôi khi dẫn tới nhiều hậu quả về mặt xã hội.

Từ điện thoại iPhone

Tập đoàn Hồng Hải, đơn vị lắp ráp điện thoại iPhone cho hãng Apple của Mỹ tại Trung Quốc ngày 12-10 đã tiếp tục bị phê phán về điều kiện làm việc của công nhân. Theo Reuters, 20 trường đại học ở Trung Quốc lục địa, đặc khu Hồng Công và lãnh thổ Đài Loan đã tiến hành thăm dò 1.700 công nhân từ nhà máy này cho biết giờ làm việc kéo dài, kỷ luật làm việc kiểu quân đội và thuê mướn ồ ạt các sinh viên đại học làm việc theo thời vụ là hiện tượng phổ biến ở công ty. Tất cả nhằm giảm chi phí sản xuất. Hồng Hải là đơn vị sản xuất linh kiện điện tử lớn nhất thế giới, lắp ráp điện thoại iPhone và máy tính iPad cho hãng Apple cùng các loại máy khác của hãng Dell và Hewlett-Packard.

Công nhân Trung Quốc muốn được làm việc trong điều kiện tốt hơn.

Công nhân Trung Quốc muốn được làm việc trong điều kiện tốt hơn.

Trước đó, Hồng Hải và công ty con của mình là Foxconn bị lên án sau khi 13 công nhân của họ tự sát ngay tại các nhà máy hồi tháng 6. Sau đó Hồng Hải cam kết cải thiện điều kiện làm việc cho 937.000 công nhân bằng cách tăng lương, giảm giờ làm thêm và xây dựng các nhà máy mới ở Trung Quốc lục địa nhằm tạo điều kiện cho công nhân làm việc gần nhà. Tuy nhiên, cuộc thăm dò nói trên tiến hành từ tháng 6 đến tháng 8 cho hay, chưa có gì thay đổi. Một bản báo cáo khác của nhóm sinh viên và học giả chống hành vi sai lệch của các tập đoàn (SACOM) tại Trung Quốc cho biết nhiều nhân viên của Hồng Hải vẫn bị trả lương thấp hơn mức tối thiểu (khoảng 2.000 NDT/tháng).

Theo ước tính của công ty nghiên cứu thị trường iSuppli, giá thành một chiếc iPhone 4G sản xuất tại Trung Quốc chỉ có 6,54 USD, tương đương 1,1% giá bán lẻ, riêng Apple có mức lợi nhuận đến trên 60%.

Hồng Hải và chi nhánh Foxconn tại đặc khu Hồng Công đã bác bỏ cáo buộc này. Trong một thông cáo báo chí, tập đoàn này thừa nhận rằng họ “chưa hoàn hảo” nhưng hoàn toàn không đối xử tệ với công nhân.

Theo nhật báo “Hoàn cầu” của Trung Quốc, trong cuộc thăm dò nói trên, có đến 54,6% trong tổng số 1.736 công nhân của Foxconn cảm thấy họ bị đối xử sai lệch, 38% cáo buộc công ty vi phạm quyền riêng tư của họ ngay cả sau giờ làm việc. Điều đáng nói, có 16,4% cho biết họ đối mặt với “tình trạng bạo lực về thể xác” từ các nhân viên an ninh do công ty thuê mướn. Nhiều công nhân cho biết, trái với cam kết tăng lương 30%, lương họ chỉ tăng hơn 9% trong khi nhiều khoản phụ cấp và thưởng bị cắt bỏ.

Đặc biệt, Foxconn bị cáo buộc thuê sinh viên làm việc thời vụ trong các cơ sở của mình mà không có hợp đồng rõ ràng, đồng nghĩa với việc sẽ không có trợ cấp xã hội, không chăm sóc y tế. Sinh viên phải tự bỏ tiền túi ra trang trải. Tờ nhật báo “Hoàn cầu” cho biết, để đáp lại việc Foxconn tiếp tục duy trì nhà máy ở tỉnh, chính quyền tỉnh Hà Nam đã yêu cầu sinh viên năm thứ hai thực tập tại các nhà máy của Foxconn.

Mặc dù xem đây là công việc “tự nguyện”, xong nhiều trường lại bắt buộc nếu không sẽ không cấp bằng cho sinh viên. Tờ báo này cho rằng việc duy trì nhà máy tại địa phương giúp tăng thêm GDP của tỉnh nhưng việc khuyến cáo sinh viên đến Foxconn thực tập và lập ra hẳn ủy ban đặc biệt để tuyển sinh viên vào làm là điều không thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Chính việc làm này sẽ tạo ưu đãi cho Foxconn, tạo tiền lệ xấu và gây khó khăn trong việc thỏa thuận mức lương, bảo hiểm và sinh viên bị đối xử như lao động giá rẻ. Về lâu dài, chính phủ cũng sẽ bị ảnh hưởng vì đối xử không bình đẳng với doanh nghiệp tạo lợi thế về thị trường và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Công nhân phản ứng

Từ đầu năm tới nay, các vụ tự tử tại Foxconn đã lên đến 13 người. Làn sóng đình công của công nhân Trung Quốc tại các cơ sở sản xuất của các tập đoàn nước ngoài gần đây tất yếu dẫn đến thương thảo. Foxconn và Hyundai đã buộc phải tăng 50% lương và phụ cấp trong những năm qua. Chỉ chưa đầy 1 tháng (tháng 6-2010), các công nhân của Tập đoàn Honda đã 3 lần đình công. Theo báo The International Business Times, yếu tố đầu tiên dẫn tới các cuộc đình công do điều kiện làm việc. Họ phải xếp hàng làm việc theo dây chuyền sản xuất như người máy, ít khi được giải lao, thường là 1 tuần làm việc 60 giờ.

Thứ hai: lương thấp. Theo Liên đoàn Thương mại toàn Trung Quốc, 1/4 công nhân không được tăng lương trong vòng 5 năm qua, giai đoạn bùng nổ kinh tế của nước này. Merry, tập đoàn điện tử hàng đầu của lãnh thổ Đài Loan, chuyên sản xuất, lắp ráp linh kiện máy vi tính và thiết bị truyền thông đã buộc công nhân làm việc cả những ngày nghỉ cuối tuần mà không trả lương. Nhà báo Lý Hồng của tờ Nhân Dân Nhật báo nêu: Sự mất cân bằng trong chính sách kinh tế cho kết quả nhà nước thu về được ngoại tệ, doanh nghiệp và các tỷ phú nước ngoài đầy túi, chỉ có an sinh xã hội không cải thiện mấy.

Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng là nhân khẩu học. Do lực lượng lao động đông đảo nên công nhân dù bị đối xử tệ vẫn không dám nghỉ việc vì họ biết rằng nếu nghỉ, sẽ có ngay người khác thế chỗ.

Hơn thế nữa, do chính sách 1 con của Trung Quốc, lực lượng lao động chính ở tuổi từ 20 đến 39 đã sụt giảm 22% trong vòng 10 năm qua. Ngoài ra, đa số lao động đều phải xa quê để ở gần nhà máy. Sau đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009, ước tính 20 triệu công nhân Trung Quốc trở về nhà và sau đó không trở lại nhà máy. Hai yếu tố trên khiến giới chủ của các tập đoàn gia tăng chiến dịch tuyển công nhân và để đảm bảo nhu cầu, họ tuyển cả công nhân lớn tuổi. Những người này được cho là “muốn an phận” nên không phản kháng trước các điều kiện làm việc tồi tệ.
Chính phủ Trung Quốc cũng điều chỉnh nhiều chính sách tăng thêm quyền lợi cho công nhân để giúp họ theo kịp với mức sống đang tăng và giảm bớt cách biệt giàu nghèo. Bắc Kinh gần đây tăng thêm lương tối thiểu thêm 20%, 7 tỉnh khác của Trung Quốc cũng đã tăng lương tối thiểu trong quý 1-2010.

Ông Cai Fang, Giám đốc Viện Khoa học xã hội về dân số và lao động Trung Quốc, cho biết, nước này đang tiến tới “điểm chuyển đổi”, theo đó lương công nhân tại các nước đang phát triển phải tăng vì nguồn cung lao động từ nông thôn đang giảm. Tuy nhiên, các tập đoàn nước ngoài khó một sớm một chiều đưa các nhà máy ra khỏi Trung Quốc vì công nhân nơi đây đã được đào tạo nghề, chẳng hạn như lắp ráp xe hơi. Hơn thế nữa, Trung Quốc có cơ sở hạ tầng tốt. Theo nhà phân tích Kohei Takahashi thuộc Tập đoàn JP Morgan, chi phí lao động của Honda chỉ chiếm khoảng 5%-6% trong tổng doanh thu của họ so với giá lao động đắt đỏ tại Nhật Bản. Lương tại Trung Quốc chỉ bằng 1/5 hoặc 1/3 so với Nhật Bản, do đó chi phí cho lao động chỉ khoảng 2%.

Nhìn ở khía cạnh tích cực, Chính phủ Trung Quốc mong muốn công nhân làm việc trong các công ty nước ngoài đứng lên đòi quyền lợi cho mình. Điều đó sẽ giúp các công ty Trung Quốc cạnh tranh sòng phẳng hơn với các công ty nước ngoài và việc tăng lương cũng giúp kích thích tiêu dùng trong nước. Theo ông Ting Lu, nhà kinh tế tại Ngân hàng Merrill Lynch, nếu Trung Quốc muốn xây dựng một hình mẫu tăng trưởng mới thông qua tiêu dùng, phải tìm ra kênh tái phân phối GDP cho lực lượng lao động, đặc biệt tầng lớp thu nhập thấp.

THỤY VŨ tổng hợp

Tin cùng chuyên mục