Thực trạng xuất bản: Cái khó ló... cái sai

Sáng 24-3, tại TPHCM, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT-TT đã tiến hành hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước về xuất bản, phát hành năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014. Nhiều vấn đề “nóng” về thực trạng xuất bản hiện nay đã được nêu ra cho thấy công tác xuất bản trong nước đang đứng trước một giai đoạn đầy khó khăn, đòi hỏi nhiều sự thay đổi để đáp ứng tình hình thực tế.
Thực trạng xuất bản: Cái khó ló... cái sai

Sáng 24-3, tại TPHCM, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT-TT đã tiến hành hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước về xuất bản, phát hành năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014. Nhiều vấn đề “nóng” về thực trạng xuất bản hiện nay đã được nêu ra cho thấy công tác xuất bản trong nước đang đứng trước một giai đoạn đầy khó khăn, đòi hỏi nhiều sự thay đổi để đáp ứng tình hình thực tế.

        Lỗi ngây ngô

Tác giả cuốn sách do một NXB thuộc dạng có tên tuổi trong nước xuất bản đã kinh hãi khi đọc chính tác phẩm của mình vừa ra mắt bạn đọc. Trong tác phẩm đó, tất cả các chữ “vô” đều được chuyển thành chữ “vào” và thế là xuất hiện những câu chữ chưa bao giờ tồn tại trong lịch sử ngôn ngữ Việt Nam như “hư vào” (hư vô), “vào nghĩa” (vô nghĩa), “vào ích” (vô ích)… Quá hoảng sợ với những lỗi như vậy, tác giả vội liên hệ với NXB và nhận được câu trả lời lỗi xảy ra do nhân viên soạn thảo văn bản sơ sót khi xử lý bản thảo và NXB đã đề nghị thu hồi để sửa chữa những lỗi trên.

Nhưng điều đáng nói là dù có những lỗi rất dễ nhận ra, thế nhưng cuốn sách vẫn lọt qua tất cả các khâu trong quy trình xuất bản để xuất hiện ngoài thị trường, đến tay bạn đọc. Nói như ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản - in và phát hành, đến chính ông cũng bị choáng về những lỗi sai kiểu như thế, những lỗi mà: “Đến trẻ con lớp 1 cũng không sai mà từ biên tập viên đến lãnh đạo NXB lại sai”. Ông Hòa cũng đã phải đau lòng thừa nhận rằng những lỗi như thế không phải hiếm, không phải chỉ đếm trên đầu ngón tay mà nó đang trở nên ngày càng phổ biến đến mức muốn đếm phải dùng cả máy tính mới đếm xuể.

Cuốn Chuyện ở nông trại một đầu sách có nội dung xấu bị thu hồi nhưng vẫn được bày bán công khai trên phố sách Nguyễn Xí (Hà Nội). Ảnh: KHẮC VĂN

Cuốn Chuyện ở nông trại một đầu sách có nội dung xấu bị thu hồi nhưng vẫn được bày bán công khai trên phố sách Nguyễn Xí (Hà Nội). Ảnh: KHẮC VĂN

        Bỏ mặc cho đối tác

Vậy đâu là nguyên nhân để những lỗi rất ngây ngô như vậy xuất hiện ngày càng nhiều trong lĩnh vực xuất bản? Nhìn vào số liệu xuất bản trong nước năm 2013 có thể thấy một phần câu trả lời. Năm 2013, toàn ngành xuất bản 26.933 đầu sách 279.720.000 bản, giảm 3,8% về số đầu sách và 7% về số lượng bản sách.

Cả nước hiện có 64 NXB nhưng chỉ có 4 NXB kinh doanh có lãi lớn từ 8 đến 25 tỷ đồng (Kim Đồng, Chính trị Quốc gia - Sự thật, Trẻ, Giáo dục Việt Nam), 6 NXB đạt mức lãi trên dưới 1 tỷ đồng, duy trì được việc trả lương và nộp thuế cho nhà nước, còn lại hầu hết các NXB khác đều gặp khó khăn. Một số NXB còn lỗ nặng dẫn đến tình trạng nợ thuế, nợ tiền thuê nhà đất và đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Có NXB cả năm chỉ làm được 6 cuốn sách, một số NXB khác khá hơn, xuất bản được 10 đến 20 cuốn sách!

Đứng trước khó khăn đó, vì sự sinh tồn nên nhiều NXB đã chấp nhận việc bỏ mặc trách nhiệm của mình để chạy theo lợi nhuận, khoán trắng cho các đối tác tự làm tất cả. Đến mức mà có những trường hợp khi Cục Xuất bản liên hệ với NXB về một tác phẩm do đơn vị xuất bản nhưng giám đốc NXB này lại ngớ ra, không biết sách đó do chính đơn vị mình đứng tên xuất bản.

Từ thực trạng đó, sách của nhiều đơn vị xuất bản chạy theo lợi nhuận, cho xuất bản loại sách có nội dung vô bổ hoặc giá trị thấp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ bị bỏ sót, một bộ phận lao động trong lĩnh vực này bị hổng về kiến thức chuyên ngành, thiếu hiểu biết pháp luật… Những lỗi, những vi phạm xuất hiện liên tục là điều dễ hiểu.

        Siết chặt vai trò quản lý

Nhìn nhận những sai sót vừa qua, trong hoạch định kế hoạch xuất bản tới đây, Cục Xuất bản - in và phát hành đề ra một loạt những biện pháp để chấn chỉnh. Trong đó tập trung nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của giám đốc, tổng biên tập, biên tập viên trong quản lý chuyên môn và nghiệp vụ. Cục sẽ tiến hành rà soát lại các điều kiện hoạt động, quy trình hoạt động của các NXB để điều chỉnh theo quy định của luật xuất bản.

Bên cạnh đó, cục cũng đề xuất các cơ quan chủ quản tăng cường việc kiểm tra, giám sát các hoạt động của những NXB trực thuộc, từ đó phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm. Trong trường hợp cơ quan chủ quản có nhiều NXB, cần xem xét để tái cơ cấu, tổ chức lại để tránh tình trạng chồng chéo trong nhiệm vụ như với một số NXB hiện nay.

Phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai cơ chế, chính sách đồng bộ cho hoạt động của các NXB, nghiên cứu và đề xuất về mô hình hoạt động các NXB phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Khác với ngành xuất bản gặp nhiều khó khăn, ngành phát hành năm qua giữ mức ổn định với mức giảm rất ít. Tổng số sách phát hành đạt 371 triệu bản (99% so với 2012), văn hóa phẩm đạt 99,7 triệu bản (98%), tổng doanh thu 2.949,5 tỷ đồng (100,2%). Về xuất nhập khẩu vẫn là tình trạng nhập siêu với 50 triệu bản sách, báo nhập khẩu, trong khi chỉ có 371.000 bản sách và 6,4 triệu bản báo được xuất khẩu. Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa) vẫn là đơn vị đứng đầu ngành xuất bản cả nước về doanh thu cũng như mạng lưới cửa hàng.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục