Bộ Tài chính đã tổ chức triển khai thực hiện Luật Thuế môi trường. Theo đó, từ năm 2012 có 8 đối tượng phải chịu thuế. Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều chi cục thuế tỉnh thành thì luật thuế môi trường còn nhiều bất hợp lý.
Mức thuế bằng 170%/giá thành sản phẩm
8 đối tượng phải chịu thuế là nhiên liệu máy bay; dầu diezel; dầu hỏa; dầu mazut; dầu nhờn; mỡ nhờn; than đá (bao gồm: than nâu, than antraxit, than mỡ; than đá khác); dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC); túi ni lông; thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản và thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng. Theo đó, tùy loại mà mức thuế áp dụng dao động từ 1.000 đến 50.000 đồng/1 đơn vị hàng hóa. Tuy nhiên, theo nhiều cơ quan chức năng thì mức thuế này hiện chưa phù hợp với thực tế.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chi cục Thuế tỉnh Tiền Giang cho biết, mức thuế đánh vào túi ni lông quá cao, từ 30 ngàn đến 50 ngàn đồng, khoảng 170% – 200%/giá thành sản xuất là không phù hợp với chính sách thuế. Hiện mức đánh thuế cao nhất đối với các loại hàng hóa đặc biệt cũng chỉ ở mức 100% giá thành sản xuất (ngoại trừ thuế xe ô tô nhập khẩu). Tuy nhiên, mức thuế áp dụng cho loại xe ô tô nhập khẩu cũng chưa thể cao bằng túi ni lông.
Đại diện Chi cục Thuế TPHCM cho rằng, việc thu thế môi trường đối với các đối tượng trên chưa rõ ràng. Hiện trên thị trường, các loại sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có đến hàng triệu loại. Vậy làm thế nào có thể phân biệt loại nào chịu thuế, loại nào không. Do đó, để có thể áp dụng vào thực tế việc thu thuế đối với thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản và thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng cần phải có danh mục rõ ràng tên hóa học của các loại thuốc trên.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Trưởng, Chi cục Thuế TP Cần Thơ bức xúc, việc sản xuất túi ni lông rất đơn giản. Các cơ sở sản xuất chỉ cần nhập khẩu máy nhỏ như máy giặt về là có thể thổi ra hàng tấn túi ni lông/ngày. Nguyên liệu hạt nhựa mà các cơ sở sản xuất sử dụng cũng rất đa dạng. Do đó, cần phân biệt rõ loại túi ni lông được sản xuất từ nguyên liệu nhựa PP, PE hay túi ni lông tái chế lại… thì bị đánh thuế.
Ngoài ra, nguyên tắc của việc đánh thuế môi trường là ai gây phát thải chất thải nhiều thì phải trả tiền nhiều. Thế nhưng nếu áp dụng nguyên tắc này vào việc áp thuế cho xăng dầu là không đúng. Biểu mức thuế mà Bộ Tài chính đưa ra đối với xăng (ngoại trừ xăng etanol) là 1.000 đồng – 4.000 đồng/lít. Trong khi đó các loại dầu nói chung có phát thải khí gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn xăng lại có mức thuế thấp hơn nhiều, khoảng từ 300 – 2.000 đồng/lít. Hơn nữa, các doanh nghiệp hiện đang phải đóng phí môi trường đối với chất thải phát sinh trong sản xuất. Vậy nếu triển khai thu thuế môi trường thì liệu thuế có chồng phí môi trường?
Thiếu đầu tư cho hạ tầng, người dân thành con nợ
Theo ông Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính, đánh thuế môi trường, tăng giá trị hàng hóa là nhằm hạn chế người tiêu dùng sử dụng đối với các sản phẩm hàng hóa đó. Thực tế không đúng như vậy, vì cho dù mức thuế môi trường có cao 170% so với giá thành sản xuất hay cao hơn nữa thì người dân vẫn không có lựa chọn khác ngoài việc bấm bụng sử dụng với giá cao. Nguyên nhân là do nhà nước chưa có sự đầu tư thích đáng về hạ tầng cho những đối tượng bị đánh thuế môi trường.
Kinh nghiệm bảo vệ môi trường tại nhiều nước trên thế giới, mà gần nước ta nhất là Thái Lan, Philippines và Campuchia cho thấy, muốn người dân hạn chế sử dụng một loại sản phẩm nào đó thì cách tốt nhất là đưa ra sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường. Đơn cử như để thay thế túi ni lông, người tiêu dùng có thể sử dụng túi tự hủy hoặc túi giấy. Hay để thay thế xăng nhà nước đầu tư phát triển những trạm cung cấp xăng etanol… Thậm chí, giá thành sản phẩm thân thiện môi trường cạnh tranh hơn giá sản phẩm không thân thiện môi trường để khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sử dụng. Thế nhưng, tại nước ta thì ngược lại. Trong khi việc đầu tư hạ tầng cho sản phẩm thân thiện môi trường chưa được chuẩn bị thì việc đánh thuế lại được áp dụng trước và áp dụng với mức quá cao so khả năng chịu đựng của người tiêu dùng.
Ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên dầu khí TPHCM cho biết, năm 2010, công ty đã kiến nghị TPHCM cho lắp đặt 8 trạm cung cấp xăng sinh học trên địa bàn nhưng cho đến nay vẫn chưa được thông qua. Mặt khác, với khối lượng xăng sinh học chỉ đáp ứng khoảng 5% nhu cầu sử dụng của người dân thì dù các trạm xăng sinh học trên có đi vào hoạt động cũng chỉ là muối bỏ bể. Riêng đối với sản phẩm túi ni lông thì còn bi kịch hơn. Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ Tái chế chất thải TPHCM cho biết, hiện nhà nước chưa có bộ tiêu chuẩn nào cho loại bao bì tự hủy. Một số đơn vị mạnh dạn đầu tư sản xuất loại bao bì này nhưng cho đến nay vẫn chưa được công nhận nên người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm sử dụng.
Thiếu đầu tư hạ tầng nhưng lại đánh thuế cao sẽ gây thiệt thòi cho người dân. Do đó, chi cục thuế nhiều tỉnh thành đã đề nghị Bộ Tài chính cần phải làm rõ việc thu phí và thu thuế môi trường; xây dựng lộ trình thu thuế phù hợp với tiến độ đầu tư hạ tầng sản phẩm thay thế; xác định rõ danh mục các loại chất thải của từng đối tượng cần phải đánh thuế; mức thuế áp dụng phải phù hợp với thực tế và đặc biệt là cần có quy định xử phạt trong trường hợp doanh nghiệp cố tình trốn thuế. Có như vậy thì việc triển khai luật thuế môi trường mới có tính khả thi vào thực tế.
Ái Vân