Thuế carbon: Không thể chần chừ

Chính phủ Đức vừa phê chuẩn quyết định về hệ thống định giá khí thải carbon dioxide (CO2 - gọi tắt là thuế carbon) cùng lệnh cấm lắp đặt hệ thống sưởi ấm bằng dầu sau năm 2026.
Khí thải CO2 ngày càng đặt ra thách thức cho môi trường
Khí thải CO2 ngày càng đặt ra thách thức cho môi trường

Tăng vẫn thấp

Theo quyết định được phê chuẩn, kể từ năm 2021, mỗi tấn khí thải CO2 sẽ được định giá là 10 EUR/tấn và đến năm 2025, giá khí thải CO2 dự kiến sẽ tăng lên mức 35 EUR/tấn. Ngoài ra, từ năm 2026 trở đi, mức giá khí thải CO2 sẽ do một thị trường ngoại hối về chứng chỉ carbon quy định và được giới hạn ở mức 60 EUR/tấn. Tuy nhiên, mức thuế này đã bị các nhà hoạt động bảo vệ môi trường phàn nàn là quá thấp, cho rằng mức phí khởi điểm nên tối thiểu là 40 EUR/tấn, đồng thời viện dẫn mức phí 90 EUR cho mỗi tấn khí CO2 thải ra từ hoạt động sưởi ấm bằng nhiên liệu hóa thạch tại Thụy Sĩ. 

Ở Anh, việc sử dụng than đã giảm đáng kể sau khi thuế carbon vào năm 2013 đã thúc đẩy các cơ sở điện lực không còn dùng than. Canada có thuế carbon bắt đầu ở mức 15 USD/tấn trong năm nay và sẽ tăng lên 38 USD/tấn vào năm 2022. Trung Quốc có kế hoạch bắt đầu một chương trình giao dịch quota khí thải CO2 bắt đầu vào năm 2020. Một số quốc gia chọn cách đánh thuế nhiên liệu hóa thạch thay vì đánh thuế carbon.

Chính phủ Đức cũng ban hành lệnh cấm lắp đặt hệ thống sưởi ấm mới chạy bằng dầu sau năm 2026, ngoại trừ tại những ngôi nhà không thể lắp đặt được hệ thống sưởi bằng khí đốt cũng như được sưởi ấm bằng năng lượng tái tạo. Ngoài ra, những hộ gia đình đã chủ động thay hệ thống sưởi cũ chạy bằng dầu trong nhà của mình bằng một giải pháp thay thế thân thiện với môi trường hơn sẽ được nhận được một phần thưởng “hấp dẫn”.

Tuần trước, Chính phủ Đức đã trình bày dự thảo luật đầu tiên về các biện pháp bảo vệ khí hậu, cắt giảm lượng khí thải CO2, trong đó có việc giảm thuế đối với du lịch đường sắt và tăng thuế đối với các chuyến bay. Với kế hoạch hành động bảo vệ khí hậu này, Đức hy vọng sẽ đạt được các mục tiêu khí hậu đề ra vào năm 2030.

Lựa chọn đúng đắn

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, gần 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đề ra mục tiêu giảm lượng khí thải để hạn chế nhiệt độ Trái đất ấm lên ở mức dưới 2°C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Trong báo cáo tháng 10-2019, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhắc lại những gì các nhà kinh tế đã hiểu từ lâu: Thực thi thuế carbon là một công cụ hiệu quả và mạnh mẽ nhất để giảm lượng khí thải gây biến đổi khí hậu. IMF nhận thấy giá trung bình toàn cầu của thuế carbon là 2 USD/tấn, trong khi thế giới yêu cầu thuế carbon toàn cầu phải là 75 USD/tấn vào năm 2030 để giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá ngưỡng 2°C, theo Hiệp định khí hậu Paris. Như thế, giá điện sẽ tăng trung bình 70% và giá xăng tăng từ 5% đến 15% ở hầu hết các nước. Nhưng đó là bức tranh trước khi người ta xem xét số tiền thu từ thuế carbon có thể làm gì. 

Nếu các chính phủ sử dụng doanh thu thuế carbon phân bổ cho những người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương, đồng thời cắt giảm các loại thuế không hiệu quả về mặt kinh tế - như thuế thu nhập thì việc tăng giá điện hay xăng là không đáng kể. Tiền thuế carbon cũng có thể dùng cho nghiên cứu và phát triển thiết yếu để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang tái tạo. Báo cáo của IMF cho biết, chi phí để đạt được giảm phát thải thông qua phương pháp thuế carbon sẽ thấp hơn chi phí để khắc phục hậu quả thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra.

Tin cùng chuyên mục