Thuế phân bón làm nông dân chịu thiệt

Nông nghiệp là nền kinh tế chính của nước ta. Ngoài việc phải lo “đầu ra” cho nông sản, thì “đầu vào” cũng là câu chuyện cần phải tính toán hợp lý để giảm giá thành, tăng lợi nhuận. 
Một trong những yếu tố “đầu vào” quan trọng đó là phân bón. “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là câu tục ngữ quen thuộc với nền văn minh lúa nước ngàn đời, luôn gắn bó với số phận của người nông dân.
Từ năm 2014, để khuyến khích phát triển sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ nông dân, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội chấp thuận đưa mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi công nghiệp ra khỏi đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Từ đề xuất trên, ngày 26-11-2014, Quốc hội khóa XIII ban hành Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (Luật 71) thì mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 5%.
Theo phân tích của các chuyên gia, về lý thuyết, việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng chịu thuế VAT 5% sang đối tượng không chịu thuế có thể dẫn đến hai khả năng trái ngược nhau: Làm giảm giá bán và làm tăng giá bán. Điều này phụ thuộc vào tỷ trọng chi phí đầu vào chịu thuế VAT 10% trong cơ cấu giá sản phẩm.
Nếu tỷ trọng này thấp (90% còn lại của giá bán được cấu thành từ các khoản không chịu thuế VAT), thì việc không phải chịu thuế VAT với mức 5% trên tổng giá thành sẽ làm giá bán giảm đi so với khi phải chịu 5% thuế VAT đầu ra và được khấu trừ thuế VAT đầu vào. Đối tượng chính được hưởng lợi trong trường hợp này là doanh nghiệp nhập khẩu phân bón hoặc các doanh nghiệp chuyên dùng nguyên liệu là các loại phân đơn nhập khẩu (không chịu thuế VAT) để phối trộn một cách đơn giản để cho ra sản phẩm phân bón.
Ngược lại, nếu tỷ trọng đó cao, từ 50% giá bán trở lên (hầu hết rơi vào trường hợp doanh nghiệp sản xuất phân trong nước), phần thuế VAT đầu vào lớn hơn khoản 5% thuế VAT đầu ra, do đó việc miễn khoản 5% đầu ra nhưng không cho khấu trừ 10% đầu vào sẽ khiến giá thành tăng lên so với khi doanh nghiệp được hoàn thuế. Giá thành tăng mà giá bán giữ nguyên thì doanh nghiệp chịu thiệt, còn nếu muốn đạt lợi nhuận thì doanh nghiệp phải tăng giá bán và người chịu thiệt cuối cùng là nông dân. 
Câu chuyện doanh nghiệp phân bón chịu thuế hay không chịu thuế đã dây dưa mãi từ 3 - 4 năm nay. Và đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có hơn 750 đơn vị lớn và nhỏ sản xuất phân bón NPK, chưa kể các loại phân bón khác. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, nếu như lượng phân bón nhập khẩu các loại năm 2014 (thời điểm trước khi Luật 71 được áp dụng) chỉ là 3,7 triệu tấn thì đến năm 2017, con số này đã là hơn 5,6 triệu tấn, tăng gần 2 triệu tấn, riêng đạm urê tăng 2,5 lần. ĐBSCL đang sắp bước vào vụ lúa thu đông, cũng là dịp để phân bón rục rịch tăng giá với quá nhiều chủng loại và nhãn mác, thị trường phân bón cạnh tranh khốc liệt, thật giả lẫn lộn và đối tượng chính - nông dân - không biết đâu mà lần!
Tại một cuộc tọa đàm mới đây về nội dung “Thúc đẩy sản xuất kinh doanh từ chính sách thuế”; Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón đã đồng loạt kiến nghị sửa đổi Luật số 71, đưa phân bón về diện chịu thuế VAT như trước đây để tạo sự bình đẳng với phân bón nhập khẩu, giúp doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại nâng cao chất lượng phân bón, giảm giá thành, từ đó có thể hỗ trợ nông dân tốt hơn. Các doanh nghiệp cũng cho rằng, nếu không sửa đổi Luật 71 thì Việt Nam sẽ thành nơi nhập khẩu phân bón chất lượng thấp. Khi đó, mục tiêu phát triển nông nghiệp sạch của Chính phủ sẽ khó có thể thành hiện thực.
Trước tình hình trên, Bộ Tài chính cho biết tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 6 Luật Thuế, phân bón sẽ được chuyển sang đối tượng chịu thuế VAT với thuế suất ưu đãi 5%, dự kiến sẽ có hiệu lực từ 1-1-2019. Theo phương án này, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào. Do số thuế VAT đầu ra tính theo mức thuế suất 5% trong khi máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, điện... phục vụ sản xuất phân bón chịu thuế VAT với mức thuế suất 10% nên những doanh nghiệp này cơ bản được hoàn thuế VAT.
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng cần đưa mức thuế VAT cho phân bón về 0%, vì nếu để ở mức 5%, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ là người hưởng lợi chứ không phải nông dân. Theo lý giải, ở mức thuế này, chi phí, giá thành, giá bán phân bón sẽ giảm xuống. Doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ thấy được sự chia sẻ và hỗ trợ của Nhà nước về mặt thể chế, về chủ trương phát triển và hỗ trợ nông nghiệp, đầu tư phát triển sản xuất, từ đó tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Về phía nông dân, nếu phân bón được tiếp tục giảm thuế 5% thì bà con nông dân có nguồn cung ứng phân bón với giá ổn định, không bị sốt cục bộ, không bị lệ thuộc vào nước ngoài, yên tâm về chất lượng để đảm bảo sản xuất an toàn. 
Rõ ràng chính sách về thuế VAT đối với phân bón đã lộ rõ những bất cập, cần phải điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cần hướng tới đối tượng quan trọng nhất, dễ chịu thiệt thòi và tổn thương nhất, đó là nông dân chứ không phải dựa trên lợi ích của doanh nghiệp sản xuất phân bón!

Tin cùng chuyên mục