Thuê phần mềm để đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến

Sở ngành kêu khó về kinh phí

Các quận, huyện phải lập tổ tư vấn dịch vụ công trực tuyến tại 322 phường, xã trên địa bàn TPHCM để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến thuộc cấp quận huyện, sở ngành TP. Đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến tại cuộc họp chiều 15-3, trước thực tế người dân TP chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến mà Báo SGGP đã phản ánh qua loạt bài “TPHCM - thách thức trong xây dựng chính quyền điện tử” đăng ngày 7 và 8-3.

Sở ngành kêu khó về kinh phí

Tại cuộc họp, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TPHCM điểm qua tình hình người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn TP. Trong đó, đối với nhóm lao động, tỷ lệ nộp hồ sơ xử lý thông qua dịch vụ công trực tuyến chỉ chiếm 1% (1/88 hồ sơ trực tuyến/21.031 tổng số hồ sơ); nhóm kinh tế cũng chỉ đạt 2% (555 hồ sơ trực tuyến/35.662 tổng số hồ sơ); nhóm đất đai - xây dựng đạt 1% (359 hồ sơ trực tuyến/38.004 tổng số hồ sơ); nhóm hộ tịch đạt 2% (186 hồ sơ trực tuyến/7.685 tổng số hồ sơ) và nhóm vệ sinh an toàn thực phẩm đạt 1%, tương đương 5/486 tổng hồ sơ.

Tra cứu thông tin quy hoạch trực tuyến tại quận Bình Thạnh, TPHCM  Ảnh: MAI ANH

Đại diện Sở TT-TT TP cũng nêu cụ thể một số sở, ngành có tỷ lệ hồ sơ nộp qua dịch vụ công trực tuyến khá cao, như: Giáo dục - Đào tạo (73%); Công thương (68%); TT-TT (31%); Kế hoạch - Đầu tư (38%); GTVT (59%); Tư pháp (11%). Tuy nhiên, cũng có những sở ngành tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến chỉ chiếm 1%, thậm chí 0% trên tổng số hồ sơ nộp, như: Văn hóa - Thể thao; Y tế; LĐTB-XH; Quy hoạch - Kiến trúc.  

Nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến thấp được một số quận huyện, sở ngành nêu ra. Đó là do thiếu kinh phí, người dân chưa quen, thay đổi bộ máy, vướng quy định của các bộ ngành liên quan… Cụ thể, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng, tổng đầu tư 7 phần mềm ứng dụng trong công tác quản lý của ngành và dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân lên đến khoảng 20 tỷ đồng.  

Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, dù khó khăn nhưng các sở ngành, quận huyện cũng phải đẩy nhanh việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến và xem đây như một giải pháp căn bản xây dựng chính quyền phục vụ dân, giảm thiểu những thủ tục gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp để tiến tới việc không còn giao tiếp trực tiếp giữa cán bộ với người dân, doanh nghiệp.

Xem xét miễn phí dịch vụ công trực tuyến

Đối với kinh phí đầu tư, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, TP sẽ có phương án tháo gỡ. Hướng của lãnh đạo TP là các sở ngành, quận huyện nên thuê dịch vụ phần mềm và có thể sử dụng nguồn thu từ phí, lệ phí để chi trả hàng năm. “Lo lắng nhất là nhận thức của người đứng đầu có quan tâm thực hiện không, chứ không lo về kinh phí”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến nói.

Đánh giá công tác tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp để sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại TPHCM còn quá yếu, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo các quận, huyện tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp làm quen với dịch vụ công trực tuyến (từ nay đến cuối năm 2017 phải tổ chức ít nhất 2 cuộc tập huấn). Song song đó, Sở Nội vụ sẽ dự thảo trình UBND TP đề nghị HĐND TP xem xét giảm, thậm chí miễn lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. “Về lâu về dài, đến một lúc nào đó, cơ quan công quyền thành phố sẽ không tiếp nhận hồ sơ thủ công nữa. Tất nhiên sẽ làm trước ở một vài lĩnh vực, nhóm doanh nghiệp để buộc phải sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tạo sự đồng thuận của người dân đảm bảo tính minh bạch, công khai”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến nói.

Trước mắt, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Sở TT-TT trong tháng 4-2017 cung cấp chữ ký số cho các sở ngành để bắt buộc các sở ngành liên thông nội bộ, chấm dứt sử dụng văn bản giấy. Đồng thời, cũng trong tháng 4 tới, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng với các quận huyện phải cam kết công khai minh bạch trực tuyến trên mạng tất cả những chỉ tiêu quy hoạch 1/2.000, kể cả chỉ tiêu về dân số để người dân và doanh nghiệp khi làm dự án và các hoạt động xây dựng có cơ sở truy cập thực hiện chứ không phải xin ở cơ quan công quyền nào (trừ trường hợp vượt quá chỉ tiêu quy hoạch, dự án đặc thù). “Sở nào, quận huyện nào mà nhà đầu tư, người dân làm đúng theo chỉ tiêu quy hoạch rồi mà còn bị hoạnh họe, tôi đề nghị cứ gửi văn bản cho tôi, UBND TP sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh và cho biết thêm, thời gian qua vẫn còn trường hợp chuyên viên công vụ cứ trả tới trả lui hồ sơ người dân, doanh nghiệp và đây là thói quen vô trách nhiệm, thậm chí tiêu cực. Do đó, thời gian tới, UBND TP sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp chuyên viên sở ngành nhũng nhiễu, tiêu cực để răn đe.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục