Thuế thu nhập doanh nghiệp: 22% hay 20%?

Ngày 29-5, các ĐBQH đã thảo luận sôi nổi tại hội trường xung quanh dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN và dự án Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh.
Thuế thu nhập doanh nghiệp: 22% hay 20%?

Ngày 29-5, các ĐBQH đã thảo luận sôi nổi tại hội trường xung quanh dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN và dự án Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh.

        Giảm thuế để hỗ trợ DN và tăng cạnh tranh

Theo tờ trình của Chính phủ, từ 1-1-2014 sẽ áp dụng mức thuế suất phổ thông 22%; doanh nghiệp (DN) sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất phổ thông 20% kể từ 1-7-2013. Từ ngày 1-1-2016, mức thuế suất phổ thông là 20% và mức thuế suất ưu đãi 20% được điều chỉnh giảm xuống còn 17%. Với việc điều chỉnh thuế suất phổ thông và thuế suất ưu đãi như nêu trên, đồng thời bổ sung đối tượng ưu đãi do rà soát và bổ sung ưu đãi đối với đầu tư mở rộng, dự kiến giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 22.200 tỷ đồng; năm 2016 giảm thu khoảng 21.190 tỷ đồng đến 21.580 tỷ đồng so với mặt bằng thuế suất 22%.

Phát biểu tại hội trường, nhiều đại biểu (ĐB) đồng tình với đề xuất của Chính phủ nhưng cũng không ít quan điểm cho rằng cần phải giảm thuế mạnh hơn để hỗ trợ DN và tăng cạnh tranh thu hút đầu tư vào Việt Nam. Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), việc giảm thuế suất phổ thông về mức 22% là hợp lý bởi nếu giảm hơn sẽ gây khó khăn cho ngân sách. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng đồng tình và cho rằng, mức giảm trên sẽ bớt áp lực khó khăn cho thu ngân sách và lộ trình giảm thuế nêu trên cũng sẽ khuyến khích thành lập DN mới.

Hôm nay 30-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013. Phiên họp được truyền hình phát thanh trực tiếp để cử tri, nhân dân cả nước theo dõi.

Tuy nhiên, các ĐB Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh), Nguyễn Thị Nguyệt Hương (Hà Nội), Dương Quang Sơn (Bắc Kạn)… cho rằng mức giảm hiện nay chưa thực sự hỗ trợ DN và cần giảm thuế TNDN xuống còn 20%.

Theo ĐB Dương Quang Sơn, mức thuế phổ thông 22% là chưa thực sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài khi các nước đã điều chỉnh giảm mức thuế này. Việc giảm này cũng chưa tạo điều kiện để DN tích tụ vốn trong bối cảnh DN đang gặp khó khăn do thiếu vốn, lãi suất ngân hàng, thị trường…

Mặt khác, quy định như dự thảo khiến luật không ổn định, do vậy nên giảm thuế xuống 20% và áp dụng luôn cho tất cả các DN. ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cũng cho rằng, để giúp DN khó khăn, phải giảm thuế xuống còn 20%. Việc giảm thuế này sẽ giúp DN Việt Nam tăng sức cạnh tranh so với khu vực và khắc phục các điểm yếu về cơ sở hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Cũng theo ĐB Vũ Tiến Lộc, kinh nghiệm những lần giảm thuế TNDN cho thấy nguồn thu ngân sách vẫn tăng nên giảm thuế xuống 20% không phải là điều đáng ngại.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

        Miễn thuế với tài sản không chia của HTX

Một vấn đề được nhiều ĐB quan tâm và kiến nghị là cần bổ sung quy định miễn thuế với tài sản không chia của hợp tác xã. Theo Luật Hợp tác xã, hàng năm hợp tác xã trích 20% lợi nhuận để hình thành tài sản không chia, phần còn lại được phân phối. Việc để dành 20% này nhằm tích lũy có nguồn vốn thực hiện chức năng hoạt động và đây cũng là tổ chức xã hội nên cần miễn thuế.

Lập luận cho quan điểm này, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa phân tích, điều 10 Luật Thuế TNDN có quy định miễn thuế đối với phần không chia của cơ sở xã hội hóa trong y tế để đầu tư phát triển và như vậy, khoản trích lại của hợp tác xã hội nên được miễn. Mặt khác, đại bộ phận hợp tác xã năng lực hạn chế và tỷ lệ đóng góp vào GDP nhỏ bé nên miễn thuế không ảnh hưởng nhiều thu ngân sách nhưng lại có ý nghĩa củng cố kinh tế tập thể theo các nghị quyết của Đảng.

        Sớm áp dụng giảm thuế TNDN cho báo chí

Theo dự thảo, mức thuế suất 10% đối với các khoản thu nhập sẽ được áp dụng với thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) theo quy định của Luật Báo chí; thu nhập của cơ quan xuất bản từ hoạt động xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản. ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận), Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đều cho rằng đề xuất này là cần thiết. Theo ĐB Hà Minh Huệ, giới báo chí hoan nghênh áp thuế suất 10% vì điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ với báo chí, cụ thể là báo in.

Cũng theo ĐB Hà Minh Huệ, báo cáo của Bộ TT-TT cho biết, trong 67 đài phát thanh, truyền hình trên cả nước chỉ có 4 cơ quan có doanh thu quảng cáo tốt, còn lại đều gặp khó khăn. Và lãnh đạo nhiều cơ quan báo hình, báo nói, báo điện tử cũng kiến nghị cần được ưu đãi thuế như báo in. Việc giảm thuế này nên được áp dụng từ 1-7-2013 thay vì áp dụng từ năm 2014, vì thuế từ hoạt động báo chí đóng góp cho ngân sách không nhiều nên việc áp dụng sớm cũng không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu.

        Trần khống chế chi quảng cáo, tiếp thị: Sẽ phát phiếu thăm dò ý kiến

Theo dự thảo, chi phí dành cho quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí… không được vượt quá 15% tổng chi phí. Không đồng tình với đề xuất này, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng cần khống chế 15% trên doanh thu thay vì tính trên chi phí và ban soạn thảo nên bổ sung quy định lộ trình bỏ mức khống chế này để phù hợp thông lệ quốc tế.

ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) cũng chia sẻ, mức trần khống chế nâng lên 15% là một bước tiến, song tốt hơn là bỏ hẳn. Bởi việc bỏ không hẳn làm giảm thu ngân sách vì DN chi khoản này để tăng thị phần, tăng lợi nhuận, do vậy DN cũng không phải tìm mọi cách để chi khiến lợi nhuận giảm. Và thực tế có những DN chi cao nhưng có nơi không chi. Do vậy nên áp dụng như nhiều nước trên thế giới là bỏ hẳn mức khống chế.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) băn khoăn, tại sao mức khống chế không phải 20%, 25%? Chi quảng cáo cũng là khoản đầu tư và Nhà nước vẫn thu được thuế ở các DN nhận quảng cáo. Do vậy, ĐB Dương Trung Quốc đề nghị ban soạn thảo sớm có lộ trình xóa bỏ hẳn vì lợi ích DN luôn gắn với lợi ích Nhà nước.

Chia sẻ quan điểm này, theo ĐB Vũ Tiến Lộc, nếu khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị… sẽ làm khó cho DN, nhất là DN mới trong việc tạo thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường. Thực tế nhiều DN khi ra đời sản phẩm, dịch vụ mới họ đều có nhu cầu quảng cáo và chấp nhận lỗ giai đoạn đầu. Do vậy, không nên khống chế khoản chi phí này và cũng bởi mỗi ngành có đặc thù khác nhau nên không thể khống chế.

Trước nhiều ý kiến đóng góp về điểm này, chốt phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sẽ phát phiếu thăm dò ý kiến của các ĐB về vấn đề có nên bỏ mức khống chế này không để phù hợp với thông lệ quốc tế.

        Giáo dục quốc phòng an ninh: Phải cập nhật kiến thức hiện đại

Chiều 29-5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh (QPAN). Dự án luật này đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4.

Về giáo dục an ninh quốc phòng cho học sinh Tiểu học, THCS, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ QH đã tiếp thu chỉnh lý theo hướng giáo dục QPAN trong trường tiểu học, THCS được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình, kết hợp với hoạt động ngoại khóa phù hợp với lứa tuổi, để hình thành những cơ sở hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân; ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Chỉnh lý này được ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) và các ĐBQH khác đánh giá là phù hợp với thực tiễn. Còn với học sinh THPT, ĐH-CĐ, dạy nghề, giáo dục QPAN là môn học chính khóa.

Phát biểu về dự án luật này, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề xuất, giáo dục QPAN trong nhà trường, nhất là ở các trường tiểu học, THCS, vai trò của Tổng phụ trách Đội là rất quan trọng, nhất là trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Vì thế cần hết sức coi trọng vai trò của vị trí này; giáo dục QPAN trong trường tiểu học và THCS cần được lồng ghép thông qua chương trình học và hoạt động đội để trang bị ý thức về lịch sử, về truyền thống của dân tộc.

Với trường THPT, nhiều ý kiến vẫn lo lắng, nếu đưa giáo dục QPAN là một môn học chính khóa sẽ thêm gánh nặng cho học sinh, làm cồng kềnh thêm bộ máy giáo viên. “Nên chăng không coi là môn học chính khóa mà chỉ là môn học điều kiện bắt buộc, có thể bố trí học thành 2 tuần vào đầu năm học hoặc thời gian phù hợp trong năm học, kết hợp lồng ghép với các hoạt động ngoại khóa”, ĐB Ngô Thị Minh kiến nghị. Nếu chỉ là môn học điều kiện bắt buộc thì có thể bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm của các sĩ quan quân đội, các cán bộ Đoàn, đội để phổ biến kiến thức QPAN cho học sinh. Ý kiến này của ĐB Ngô Thị Minh được một số ĐB khác tán thành.

ĐB Lê Hiền Vân (Hà Nội) cho rằng, để có hiệu quả, giáo dục QPAN phải cập nhật kiến thức hiện đại để tăng tính hấp dẫn và tính thời cuộc; tăng cường giáo dục về biển đảo; giúp học sinh nhận biết những âm mưu của các thế lực thù địch. Để tăng hiệu quả giáo dục QPAN, ĐB Phạm Văn Tam (Hà Nam) đề xuất nên tận dụng vai trò của các cựu chiến binh và nhân chứng lịch sử là tuyên truyền viên, báo cáo viên tham gia vào giáo dục QPAN. ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) đề xuất nên cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các đối tượng được giáo dục và coi chứng chỉ đó là một tiêu chuẩn bắt buộc đối với công tác cán bộ.

Cùng ngày, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật tiếp công dân. Một trong những điểm đáng chú ý trong đó là quy định về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo đó, chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện phải trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, huyện lần lượt ít nhất 1 và 2 ngày trong tháng, trừ trường hợp tiếp công dân đột xuất. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở ít nhất 1 ngày trong tuần, trừ trường hợp tiếp công dân đột xuất.

Bộ trưởng các bộ, giám đốc các sở: TN-MT, LĐTB-XH, XD, NN-PTNT, nội vụ, công an, quốc phòng, GTVT, y tế, GD-ĐT, tư pháp tiếp công dân tại nơi tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong tháng, trừ trường hợp tiếp công dân đột xuất.

NGỌC QUANG - PHAN THẢO - LÂM NGUYÊN

Thông tin liên quan

Chính phủ sẽ báo cáo bổ sung về tình hình biển Đông 

Tin cùng chuyên mục