Dù đã tạm thoát khỏi suy thoái nhưng nền kinh tế các nước châu Âu hiện vẫn đang đối mặt với nỗi lo khi có đến hơn 125 triệu người (chiếm 25% dân số Liên minh châu Âu) bị đe dọa rơi vào cảnh đói nghèo. Cơn bão nợ công quét qua gần toàn bộ khu vực khiến cho những người vốn có cuộc sống bấp bênh nay còn chông chênh hơn. Để giải quyết tình trạng này chỉ có một biện pháp là siết chặt kiểm soát thuế của nhà giàu để hạn chế cắt giảm trợ cấp xã hội cho những người có cuộc sống không ổn định.
Câu chuyện đánh thuế nhà giàu ở châu Âu thực chất đã được khởi xướng từ năm 2011. Thời điểm đó, một số tỷ phú châu Âu tự giác và tình nguyện đóng thuế cao để bù đắp khoản thâm hụt ngân sách của quốc gia. Khởi nguồn là ở Pháp. Bà Liliane Bettencourt, người phụ nữ giàu nhất nước Pháp, ký tên vào một lá thư cùng với 15 tỷ phú khác, khẩn khoản có một phần đóng góp đặc biệt cho ngân sách để giúp kéo nước Pháp ra khỏi khủng hoảng tài chính. Ông chủ hãng xe hơi Ferrari của Italia cũng đề nghị để ông ta có quyền được trả thêm tiền. Một nhóm 50 người giàu ở Đức đề xướng phong trào “Đánh thuế tôi mạnh hơn đi!” để hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Angela Merkel nhằm thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo hơn nữa.
Theo Financial Times, hiện nay, Thụy Điển là quốc gia đánh thuế thu nhập cá nhân cao nhất thế giới (56,6%), tiếp đến là Đan Mạch (55,6%), Bỉ (53,7%), Bồ Đào Nha (53%), Tây Ban Nha và Hà Lan (52%), Anh (50%). Những người giàu nhất ở Đức thì tình nguyện đóng thuế suất tối đa 42%. Nhưng ở Pháp - quốc gia chủ trương đánh thuế 75% trên tài sản của những người có thu nhập trên 1 triệu EUR/năm, đang gặp nhiều trở ngại vì không phải người giàu nào cũng chịu đóng thuế cao. Kế hoạch của Tổng thống Hollande bị ngừng trệ khiến việc giải bài toán giảm thâm hụt ngân sách ở Pháp ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Siết chặt việc kiểm soát thuế ở nhà giàu, nâng thuế giá trị gia tăng hay thuế doanh nghiệp vốn đã không mấy dễ dàng tại châu Âu thì lục địa này phải đối mặt với vấn nạn trốn thuế. Các chính phủ ở châu Âu lo ngại những công dân giàu có nước mình tìm mọi cách che giấu tài sản hợp pháp cũng như bất hợp pháp, tránh không bị đánh thuế bằng cách lập công ty ở nước ngoài khiến EU bị thất thu hàng ngàn tỷ EUR tiền thuế mỗi năm. EU buộc phải thông qua kế hoạch thúc đẩy tính minh bạch của hệ thống các ngân hàng trong khu vực để chống lại những thiên đường trốn thuế và chấm dứt những bí mật ngân hàng. Các lãnh đạo EU đã đề xuất kế hoạch các tài khoản có tiền gửi trên 100.000 EUR có thể bị ngân hàng giữ lại trong trường hợp “cạn kiệt nguồn lực”. Biện pháp này nhằm đánh vào giới nhà giàu chuyên gửi tiền trong các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài để trốn thuế và cũng là cách để EU tránh việc phải cứu trợ các ngân hàng đến từ các “thiên đường trốn thuế” có nguy cơ bị phá sản.
Có thể thấy nguyên nhân châu Âu tỏ ra mạnh tay trong việc kiểm soát thuế còn có mục đích khác là làm giảm sự bất tín nhiệm vào chính phủ đang gia tăng. Tuy nhiên, dù có mục đích nào đi nữa thì việc muốn thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo vẫn cần được xem trọng, bởi một khi không hợp lòng dân thì nhiệm vụ khắc phục khủng hoảng kinh tế ở châu Âu sẽ càng khó thực hiện.
THANH HẰNG