Thuế và thất nghiệp

Ngày 8-7, hội nghị giữa Chính phủ Pháp với lãnh đạo các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chương trình “Đổi thuế lấy việc làm” bước sang ngày thứ hai trong bối cảnh kết thúc ngày thứ nhất, hai bên chưa tìm được tiếng nói chung nhằm giải quyết vấn đề thất nghiệp, vốn gây bất bình trong xã hội Pháp thời gian vừa qua. Hội nghị tập trung giải quyết vấn đề thất nghiệp hiện đã tăng lên mức cao kỷ lục 3,38 triệu người.

Tuy nhiên, sau ngày làm việc đầu tiên, các nghiệp đoàn lớn dọa tẩy chay những hoạt động tiếp theo của hội nghị, vì theo họ, Chính phủ Pháp đang nhượng bộ quá mức trước những yêu cầu của các công ty về đơn giản hóa bộ luật lao động. Họ cho rằng “Hiệp ước trách nhiệm” do chính sách chính phủ đề ra (theo đó, các công ty được cắt giảm thuế thu nhập và chi phí xã hội lên đến 40 tỷ EUR nhưng phải cam kết tạo ra khoảng 500.000 việc làm mới) là một chiều, chỉ có lợi cho các chủ doanh nghiệp chứ không đem lại điều gì cho người lao động.

Họ chỉ trích hiệp ước này chỉ có thể giúp tăng số lượng việc, nhưng phúc lợi mà họ được hưởng sẽ giảm vì Thủ tướng Manuel Valls vừa quyết định trì hoãn thêm 1 năm (thay vì được áp dụng từ tháng 1-2015) việc thực hiện chế độ lao động mới, cho phép người đăng ký làm công việc nặng nhọc - ca đêm, tiếp xúc với tiếng ồn lớn hoặc khuân vác nặng - được đào tạo thêm hoặc được nghỉ hưu sớm có bồi thường.

Ngày 7-7, tại Brussels (Bỉ), nhóm Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, còn gọi là Eurogroup, đã có cuộc thảo luận về cách thức giảm gánh nặng thuế lao động, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và việc làm. Theo khuyến nghị đặc biệt mà Ủy ban châu Âu (EC) mới công bố, có 11 quốc gia EU nằm trong những nơi cao nhất thế giới có gánh nặng thuế đối với tiền lương là Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha và Bỉ...

Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem nhấn mạnh đây là một trong những cải cách cấu trúc giúp các quốc gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) tăng sức cạnh tranh. Sự chuyển đổi mức thuế chung từ lao động sang tiêu thụ ở eurozone sẽ giúp sản lượng kinh tế tăng thêm 65 tỷ EUR và tạo ra khoảng 1,4 triệu việc làm trong vòng 10 năm nữa. Nhưng trên thực tế, một số quốc gia chưa có biên độ ngân sách lớn nên việc giảm thuế lao động phải được bù bằng nguồn khác.

Một trong những phương tiện áp dụng là giảm chi ngân sách hoặc có thể thay đổi sự phân bổ thuế theo cách trung lập trong kế hoạch ngân sách. Bằng cách này, việc giảm thuế lao động sẽ được bù bằng nguồn thu nhập thuế ít gây ảnh hưởng cho tăng trưởng như thuế tiêu thụ, thuế sở hữu hoặc thuế môi trường.

Do vậy, nỗ lực đảo chiều tỷ lệ thất nghiệp ở châu Âu, dù bằng cách giảm thuế thu nhập và chi phí xã hội cho doanh nghiệp hay giảm thuế lao động cho người lao động vẫn còn lắm gian nan. Dự kiến, Eurogroup tiếp tục nhóm họp về việc giảm gánh nặng thuế và các cải cách cấu trúc khác vào tháng 9 tới.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục